Trạm Y tế lưu động: “Cánh tay nối dài” của ngành y tế trong chăm sóc, điều trị người bệnh tại cơ sở

Đối nội - Ngày đăng : 15:35, 16/09/2021

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh vẫn rất phức tạp, mô hình Trạm Y tế lưu động trên địa bàn Thành phố đã và đang phát huy hiệu quả, là “cánh tay nối dài” của ngành y tế trong việc hỗ trợ cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà cũng như các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính trên địa bàn.


Tạo niềm tin cho người dân tại cơ sở

Trạm Y tế lưu động số 10 đặt tại Trường nhân đạo trẻ em quận 3 (số 453/39 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Với tổng dân số 12.355 người cư trú trên địa bàn phường 12, Trạm Y tế lưu động số 10 luôn trong tình trạng sáng đèn. Bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên hỗ trợ tại Trạm không chỉ cấp tập hỗ trợ người dân trong chăm sóc sức khỏe, thăm khám, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà và làm hồ sơ chuyển tuyến với các trường hợp F0 diễn biến trở nặng, mà còn kiêm vai trò của một chuyên gia tâm lý với những ca mắc mới.
                
   

Bác sĩ trực tại Trạm Y tế lưu động luôn cấp tập hỗ trợ người dân. Ảnh: Bộ Y tế

   

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Bí thư Đảng ủy phường 12 cho biết, Trạm Y tế lưu động số 10 là 1 trong 12 Trạm trên địa bàn quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Trạm Y tế lưu động của phường 12 có một bác sĩ tình nguyện phụ trách chính cùng 3 điều dưỡng. Do nhân sự hỗ trợ khá ít trong khi phường có đến 48 tổ dân phố, nên phường đã huy động thêm các tình nguyện viên, những người có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực y tế để hỗ trợ thêm cho Trạm Y tế lưu động hoạt động hiệu quả.

“Mô hình Trạm Y tế lưu động đã giảm tải rất nhiều áp lực cho tuyến trên trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà cũng như chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính trên địa bàn, nhờ đó đã tạo niềm tin cho người dân ngay từ cơ sở” - Bà Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.

Nhờ có Trạm Y tế lưu động hỗ trợ Trạm Y tế phường, thời gian qua, các thầy thuốc đã đến tận từng hộ dân, từng người dân để thăm khám, kịp thời cấp phát thuốc cho người dân, đặc biệt là hỗ trợ nguồn oxy kịp thời cho bệnh nhân F0. Đồng thời, trong công tác tiêm chủng, phường 12 đã triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt trên 95%. Công tác test Covid-19 cũng được triển khai tích cực, nhờ có sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, phường 12 đã hoàn thành vòng 2 test nhanh ở cộng đồng, bao gồm cả “vùng xanh”, “vùng đỏ” và chuẩn bị bước vào test nhanh vòng 3.

“Sự đồng lòng, chung sức của người dân là điều tiên quyết giúp thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng xanh” được mở rộng và tiến tới, đẩy lùi dịch bệnh hoàn toàn” - Bí thư Đảng ủy phường 12 cho biết.

Cần đánh giá, phân loại tốt F0 để chăm sóc

Mô hình Trạm Y tế lưu động phủ rộng đến tất cả các xã/phường ở TP. Hồ Chí Minh đã góp phần chăm sóc, tư vấn F0 thường xuyên tại nhà, giúp họ tiếp cận với các gói thuốc và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu. Tuy nhiên, khảo sát của Tổ công tác Bộ Y tế ngày 15/9 tại một số trạm y tế lưu động trên địa bàn Thành phố cho thấy, cần theo dõi F0 tại nhà một cách khoa học, bài bản hơn; động viên, hướng dẫn tận tình, hạn chế tối đa việc để F0 tự lựa chọn việc ở nhà hay tới khu thu dung theo cảm tính của mình. Tại một số Trạm Y tế lưu động có số lượng lớn F0 được quản lý chăm sóc tại nhà, các thành viên của từng Trạm phải duy trì kết nối chặt chẽ với cán bộ đoàn, tình nguyện viên thông thạo đường ở địa phương để nắm chắc F0 ở từng nhà.
                
   

Cùng với thuốc men, oxy y tế ở Trạm Y tế lưu động phải luôn sẵn sàng để cấp cứu người bệnh. Ảnh: Bộ Y tế

   

Tại Trạm Y tế lưu động phường 5, quận 11, y sĩ quân y Nguyễn Duy Quân cho biết: Trạm đang quản lý đến hơn 700 người là F0 tại nhà. Ngoài 12 thành viên thuộc Trạm Y tế lưu động chia làm nhiều nhóm thì còn có các đội y tế cơ động, cán bộ, tình nguyện viên ở địa phương và trạm y tế cố định cùng hỗ trợ chăm sóc các ca nhiễm. Sáng nào họ cũng đến tận các nhà F0 để hỏi han và cấp thuốc. Với các trường hợp cấp cứu thì mang theo oxy và các thiết bị cần thiết để đến nhà F0 nhanh nhất.

Theo lãnh đạo Trạm Y tế phường 5, lực lượng y tế đã rất nỗ lực, kịp thời tư vấn cho các ca nhiễm được phát hiện khi xét nghiệm cộng đồng. Tuy nhiên, các F0 vẫn tự lựa chọn giữa việc đi thu dung, điều trị tập trung và ở nhà. Y tế phường chưa áp dụng mạnh mẽ các giải pháp đốc thúc các ca bệnh nguy cơ cao vào khu thu dung tập trung.

Trước thực trạng trên, Tổ công tác Bộ Y tế hướng dẫn, lực lượng y tế phường cần phải sàng lọc, phân loại ca nhiễm ngay từ đầu; đánh giá các nhóm nguy cơ cho chính xác để có hướng chăm sóc, điều trị tốt nhất. Với người cao tuổi, nhiều bệnh nền nhất định phải động viên, giải thích cho họ thấu hiểu họ đang thuộc nhóm nguy cơ cao nên phải vào khu thu dung tập trung. Cùng với đó, phải sàng lọc ra nhóm nguy cơ chuyển nặng để có chú ý đặc biệt, sẵn sàng oxy để cấp cứu cho họ và có kênh kết nối để chuyển viện. Nhóm trẻ tuổi không triệu chứng cũng không được chủ quan, xem nhẹ mà phải thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe, tránh nguy cơ chuyển nặng…/.
Đ. KHOA