VCCI: Quy định về thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan còn bất cập
Đối nội - Ngày đăng : 21:05, 16/09/2021
(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan (Dự thảo) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định trong Dự thảo còn tồn tại bất cập.
Theo VCCI, một số quy địnhvề thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan còn bất cập - Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Cụ thể, về xử lý kết quả kiểm tra thực tế, Điều 1.20 Dự thảo (sửa đổi Điều 30 Nghị định 08/2015/NĐ-CP) đã bỏ quy định cho phép doanh nghiệp (DN) thực hiện giám định nếu không đồng ý với kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan và cơ quan hải quan sử dụng kết quả đó làm căn cứ đưa ra kết luận. Như vậy, nếu DN không đồng ý với kết quả giám định hàng hóa, DN chỉ có 2 lựa chọn hoặc là khiếu nại hoặc khởi kiện.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này là không phù hợp vì việc khiếu nại hoặc khởi kiện thường tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Trong khi đó, kết quả giám định hàng hóa mang tính kỹ thuật chứ không liên quan nhiều đến mặt pháp lý, do đó giải pháp này chỉ nên là giải pháp cuối cùng DN muốn lựa chọn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giống như quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
Về thời điểm kiểm tra điều kiện gia công, Điều 39.2 Dự thảo được bổ sung cụm từ “chậm nhất” như sau: “Việc kiểm tra được thực hiện chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra”.
VCCI cho rằng, quy định như vậy có thể dẫn đến trường hợp DN bị kiểm tra ngay sau hoặc sau một thời gian ngắn sau khi nhận được quyết định kiểm tra, do đó, một số DN có thể không sẵn sàng cho đợt kiểm tra do không có đủ thời gian chuẩn bị cần thiết. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định như sau: “Việc kiểm tra được thực hiện sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra, hoặc sớm hơn nếu tổ chức, cá nhân đồng ý”.
Bên cạnh đó, về dữ liệu số hóa và dữ liệu điện tử, Điều 1.16 Dự thảo quy định người khai hải quan nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số hóa.
Theo VCCI, Dự thảo chưa làm rõ sự khác nhau giữa dữ liệu số hóa và dữ liệu điện tử. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch và tránh trường hợp lúng túng trong thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung định nghĩa cho dữ liệu số hóa hoặc bổ sung quy định làm rõ 2 nội dung này.
Về thời gian tạm nhập để sửa chữa, tái chế, Điều 1.29 Dự thảo quy định thời gian tạm nhập để sửa chữa, tái chế xong sau đó tái xuất là không quá 12 tháng, trừ trường hợp thời gian đặc thù theo quyết định của Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan.
Tuy nhiên, theo phản ánh của DN, quy định này cần xem xét lại vì lý do quy định thời hạn là không cần thiết và chưa rõ mục đích quản lý. Bên cạnh đó, việc quy định thời hạn 12 tháng là tương đối ngắn với nhiều lô hàng tạm nhập để tái chế có tính chất phức tạp hoặc có số lượng lớn.
Mặc dù Dự thảo đã cho phép kéo dài thời gian, song thủ tục để xin phép lại chưa minh bạch và không rõ ràng khi giao hết thẩm quyền quyết định cho Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan mà không có tiêu chí xác định nào; trong khi đó việc quản lý hàng tạm nhập tái xuất có thể được quản lý thông qua hậu kiểm bằng cách cho DN đăng ký thời hạn tạm nhập tái xuất với cơ quan hải quan.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng không hạn chế thời gian tái xuất với hàng hóa tạm nhập để tái chế, DN có thể tùy ý lựa chọn thời gian tái xuất để đăng ký với cơ quan hải quan. Nếu không, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi thời gian tạm nhập tái xuất dài hơn với trường hợp này (chẳng hạn 24 tháng)./.
DIỆU THIỆN