Đổi mới toàn diện hoạt động giám sát của Quốc hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 18/09/2021

(BKTO- Ngày 17/9, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án.


Khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Trước yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội, việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát nói riêng và đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội diễn ra sôi động, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, đồng thời là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh:quochoi.vn

   

Bên cạnh đó, trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động đổi mới của Quốc hội được đề cập với nhiều nội dung, đề án quan trọng thể hiện ý chí, quyết tâm đổi mới, nâng cao trách nhiệm, vai trò của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đối với hoạt động của Quốc hội. Trong đó, đối với lĩnh vực giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo - công bố Nghị quyết số 165/NQ-UBTVQH15; ra mắt Ban Chỉ đạo và thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch, đề cương xây dựng đề án, phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo và một số công việc liên quan đến triển khai xây dựng Đề án.
                
   

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại Phiên họp. Ảnh:quochoi.vn

   

Thảo luận về nội dung Đề án, các đại biểu thống nhất kế hoạch xây dựng Đề án để trình Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Đề án có tính mới, đảm bảo khả thi, chất lượng hiệu quả; nội dung Đề án cần tập trung vào đổi mới về mặt nội dung giám sát, đổi mới về cách thức giám sát và đổi mới hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

Theo các đại biểu, quan điểm đổi mới hoạt động giám sát phải bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, phù hợp với các quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan. Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội phải xuất phát từ thực tiễn, phải cụ thể, thuyết phục, được lựa chọn một cách thận trọng, khách quan, khoa học, đảm bảo tính kế thừa, khả thi; phát huy những kết quả, kinh nghiệm qua các nhiệm kỳ; đổi mới về nội dung, cách thức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đảm bảo Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân…

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện kiến nghị giám sát

Về cách thức triển khai nhiệm vụ xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo lưu ý, cần quyết liệt làm từ sớm từ xa để chuẩn bị chu đáo các nội dung. Có ý kiến cho rằng, cần tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến đổi mới để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân… để từ đó có đánh giá thực trạng, nhìn nhận rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và có kiến nghị đề xuất.
                
   

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh, thời gian qua hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều cải tiến đổi mới, nhất là việc lựa chọn nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, tuy nhiên việc thực hiện các kết luận và nghị quyết giám sát vẫn là khâu yếu, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả giám sát. Do đó, các đại biểu kỳ vọng thông qua việc xây dựng Đề án lần này sẽ có các giải pháp đổi mới như có bộ phận theo dõi thực hiện kết luận giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; có chế tài xử lý trách nhiệm… Đồng thời, thông qua Đề án sẽ có cách làm mới, sáng tạo trong giám sát để tạo được sự lan tỏa.

Có ý kiến đề nghị cần tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất quy trình giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bộ phận thường trực khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện các văn bản để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai Đề án cần coi trọng ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội các khóa; có sự phối hợp với các cơ quan chịu sự giám sát; bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc xây dựng Đề án; tăng cường phối hợp, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai để bảo đảm thành công của Đề án./.

Đ. KHOA