Cà Mau: Lập chuỗi liên kết, đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ
Chính trị - Ngày đăng : 23:35, 19/09/2021
(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất là vấn đề đặt ra đối với Cà Mau.
Cà Mau tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông, thủy sản nhằm tìm giải pháp đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất. |
Kết nối tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản các loại
Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tỉnh Cà Mau đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, Tổ công tác đã hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), DN và người dân tiêu thụ 20.035 tấn nông sản các loại, hiện tồn 1.183 tấn đang tiếp tục hỗ trợ kết nối.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã rà soát diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong dân đến thời điểm thu hoạch hoặc sắp thu hoạch, hiện có 1.958 tấn thuỷ sản của 271 hộ dân, trong đó có 1.837 tấn tôm thẻ chân trắng của 247 hộ, gần 96 tấn cá kèo của 16 hộ và 25 tấn sò huyết của 8 hộ dân. Tỉnh cũng đã kịp thời cung cấp danh sách 32 đại lý thu mua tôm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cho các hộ dân nuôi tôm công nghiệp để liên hệ, trao đổi tổ chức thu mua theo nhu cầu; đồng thời tiếp tục liên hệ, cập nhật danh sách đại lý thu mua tôm đủ điều kiện để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.
Mới đây, để hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm nông, thủy sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm), đặc sản… trong tình hình dịch Covid-19; tạo điều kiện cho các DN chế biến, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh có cơ hội kết nối trao đổi, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, tỉnh đã tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau theo hình thức trực tuyến.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao việc Cà Mau đã hỗ trợ kết nối với TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Khoảng 1.500 đầu mối đã được kết nối, trong đó có nhiều HTX từ Cà Mau qua hình thức gói combo nông sản. "Điều này góp phần giải quyết vấn đề nguồn cung lương thực, thực phẩm tại một số quận, huyện" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định.
Giảm chi phí, tạo thuận tiện đưa sản phẩm đến điểm bán
Chia sẻ cảm nhận về nông sản Cà Mau, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail - ông Paul Lê - cho biết, ông rất tin tưởng các mặt hàng nông sản của tỉnh, nhất là sản phẩm tôm, lúa - tôm, cua… Ông Paul Lê mong muốn tỉnh tạo điều kiện kết nối, đưa các sản phẩm trên có mặt tại cửa hàng của Tập đoàn.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Coop - ông Đỗ Quốc Huy - cho hay, mặc dù hiện tại giá cả các mặt hàng ở cơ sở rất rẻ nhưng do TP. HCM bị giãn cách nên giá bán trên thị trường hiện rất cao. Đây là một bất lợi cho cả người mua và người bán. Những đơn vị sản xuất phụ trợ như bao bì, đóng gói cũng gặp nhiều khó khăn để cung ứng cho các DN.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ - bà Vũ Thị Hậu - thông tin, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do quy định chống dịch của các địa phương nhưng các nhà bán lẻ đã rất nỗ lực để hoạt động. Với Cà Mau, đặc sản của tỉnh được người tiêu dùng cả nước biết đến, nhưng vấn đề hiện nay là chi phí trung gian còn cao khi vận chuyển đến TP. HCM hay Hà Nội.
“Chúng ta phải làm thế nào để đường đi của sản phẩm đến điểm bán thuận tiện hơn, giảm chi phí trung gian. Chúng tôi cần địa phương thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất. Khi đó, nhà bán lẻ sẽ mua được từ gốc với các sản phẩm chất lượng, chi phí trung gian thấp” - bà Hậu khuyến nghị./.
Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau và Sở NN&PTNT đã lần lượt ký kết với đại diện 2 nhà bán lẻ lớn (Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn Lộc Trời) nhằm thực hiện các tiêu chí cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các bên. |
HỒNG NHUNG