Tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong kiểm soát chất lượng kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 23:45, 27/10/2017
(BKTO) - Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã xác định mục tiêu “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”. Để đạt được mục tiêu này, Đảng ủy KTNN cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán một cách chặt chẽ và có hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó góp phần gia tăng chất lượng kiểm toán, hạn chế thất thoát lãng phí, ngăn ngừa tham nhũng và nâng cao hiệu quả của việc quản lý sử dụng ngân sách, tài chính công.
Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán luôn được coi trọng.
Ảnh: THANH TÙNG
Kiểm soát chất lượng kiểm toán ngày càng hiệu quả
Từ khi thành lập (năm 1994) đến nay, Đảng ủy KTNN luôn đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng kiểm toán, nhất là công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán. Để thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán, Đảng ủy KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành xây dựng và ban hành nhiều chế độ, chính sách điều chỉnh hoạt động kiểm toán, như: Chuẩn mực KTNN số 40 “Kiểm soát chất lượng kiểm toán”, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán; ban hành các quy trình về thẩm định xét duyệt KHKT và thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán…
Ngày 11/3/2016, Đảng ủy KTNN ban hành Nghị quyết số 32-NQ/ĐU thực hiện 04 đề án của Chương trình 1 về “Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của KTNN trong nhiệm kỳ”. Đảng ủy KTNN đã phân công cho Chi ủy Chi bộ Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì tham mưu cho Đảng ủy KTNN thực hiện Đề án 2 “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hoạt động kiểm toán”, đồng thời thực hiện các hoạt động được phân công tại Đề án 2.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy KTNN, hệ thống kiểm soát của KTNN được xây dựng hoàn thiện thêm một bước, bao gồm 05 cấp độ: kiểm soát chất lượng của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước. Cơ cấu tổ chức và nhân sự kiểm soát chất lượng kiểm toán đã được kiện toàn. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán được giao nhiệm vụ chuyên trách thực hiện giám sát và soát xét tất cả các cuộc kiểm toán; Vụ Tổng hợp và Vụ Pháp chế thực hiện thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán và phát hành Báo cáo kiểm toán; các KTNN chuyên ngành và khu vực có Phòng Tổng hợp và Tổ kiểm soát chất lượng thực hiện kiểm soát tất cả các khâu của quá trình kiểm toán. Các cuộc kiểm toán đều được Hội đồng kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực và của KTNN thực hiện xét duyệt Kế hoạch kiểm toán và Báo cáo kiểm toán.
Để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kiểm toán, hạn chế những rủi ro khách quan cho các Đoàn kiểm toán làm việc phân tán xa cơ quan, KTNN đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm quản lý nhật ký kiểm toán và các phần mềm quản lý khác để lãnh đạo KTNN và bộ phận kiểm soát chất lượng kiểm toán có thể thực hiện giám sát từ xa, mọi nơi, mọi lúc về tiến độ và kết quả kiểm toán của các Kiểm toán viên nhà nước. Bộ phận kiểm soát chuyên trách là Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn với việc áp dụng đồng thời cả 5 hình thức kiểm soát.
Nhờ đó, hệ thống kiểm soát chất lượng của KTNN đã được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình kiểm toán. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán đã từng bước đi vào nề nếp và ngày càng có hiệu quả; các kết quả kiểm toán ngày càng đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng kiểm toán; kiến nghị kiểm toán ngày càng có có chất lượng và tính khả thi.
Chỉ đạo thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp
Để tăng cường chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán hơn nữa, Đảng ủy KTNN và đảng ủy, chi ủy các đơn vị trực thuộc KTNN cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp. Theo đó, bộ máy kiểm soát chất lượng kiểm toán cần phải được bổ sung các Kiểm toán viên có chuyên môn sâu về các lĩnh vực kiểm toán, có kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời phải tăng cường công tác đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán cho các cán bộ làm công tác kiểm soát để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc xử lý các nghiệp vụ phức tạp và nhạy cảm.
Cùng với đó, thực hiện phân cấp mạnh về kiểm soát chất lượng cho KTNN chuyên ngành, khu vực, quy định rõ trách nhiệm kiểm soát. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, quy mô, đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát, đảm bảo kiểm soát đầy đủ hoạt động kiểm toán theo quy trình kiểm toán; thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng soát xét tính đầy đủ, thích hợp của các bằng chứng chứng minh cho các phát hiện sai sót của Kiểm toán viên, bảo đảm các kết luận, kiến nghị kiểm toán có đủ căn cứ pháp lý và có tính khả thi, hạn chế tối đa khiếu nại tố cáo.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán theo từng cấp độ để nâng trách nhiệm của các Kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán; xây dựng tiêu chí chấm điểm để tôn vinh các cuộc kiểm toán chất lượng vàng tiêu biểu trong năm; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực cho cán bộ, Kiểm toán viên trong từng đơn vị và toàn ngành về tầm quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; đẩy mạnh và xây dựng văn hóa nội bộ về kiểm soát chất lượng kiểm toán, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với chất lượng kiểm toán.
Để đảm bảo tính khách quan của kết quả kiểm toán, cần xây dựng cơ chế giám sát từ phía đơn vị được kiểm toán; công khai minh bạch hoạt động kiểm soát chất lượng để đơn vị được kiểm toán biết và tham gia phối hợp trong việc giám sát, theo dõi nhằm hạn chế vi phạm, vụ việc, kiến nghị thiếu khả thi và khiếu nại kéo dài liên quan đến kết quả kiểm toán; công khai đường dây nóng khi thực hiện triển khai kiểm toán tại đơn vị để đơn vị có thể thông tin, phản ánh kịp thời các hành vi nhũng nhiều, vi phạm quy chế kiểm toán của các Kiểm toán viên tại các Đoàn kiểm toán.
Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán, cần xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống chuẩn mực KTNN, đổi mới phương pháp kiểm toán theo hướng đánh giá trọng yếu và xác định rủi ro, từ đó đổi mới phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán theo định hướng trọng yếu kiểm soát và rủi ro kiểm soát.
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cần tăng cường kiểm soát đối với các cuộc kiểm toán qua đánh giá xem xét trọng yếu và rủi ro, từ đó hạn chế tối đa rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán...
NGÔ MINH KIỂM
Vụ trưởng Vụ chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN