Thắp sáng niềm tin, tạo động lực tinh thần cùng toàn dân chiến thắng dịch bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 17:37, 23/09/2021
(BKTO) – Với đặc thù gắn liền với đời sống tinh thần, ngành Văn hóa đang phải chịu những khó khăn, tổn thất to lớn do dịch bệnh Covid-19. Trước thực tế đó, tại Diễn đàn "Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 22/9, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất cách làm, mô hình hiệu quả trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, từ đó khắc phục khó khăn, cũng như tiếp tục phát huy vai trò tạo động lực tinh thần, cùng xã hội vượt qua đại dịch.
Không gục ngã trước khó khăn
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, nhìn lại 9 tháng năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, với quyết tâm hành động, khát vọng cống hiến, toàn ngành đã nỗ lực tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thì còn nhiều công việc cần tính toán, sắp xếp và hệ thống, định lượng lại nhằm đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của năm 2021 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đặc biệt, toàn Ngành tiếp tục thực hiện sứ mệnh bằng văn hóa, từ văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam, vượt qua và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Do dịch bệnh, các sân khấu chuyển sang biểu diễn online, không khán giả khiến các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không có thu nhập. Ảnh: N.LỘC |
Để đưa ngành Văn hóa vượt khó, toàn ngành cần nghiên cứu và lựa chọn đúng, trúng các mô hình có tác dụng lan tỏa để nhân rộng. “Qua những khó khăn trong đại dịch, chúng ta cũng thấy được những bài học kinh nghiệm để tháo gỡ khó khăn, với tinh thần quyết liệt nhất...." - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Tại diễn đàn, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Covid-19 đã tạo nên nhiều thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong hai năm qua. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể ra mắt tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống. Đại dịch khiến các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa - nghệ thuật… bị tạm dừng, hoặc hủy bỏ.
Cùng với đó một lực lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương… Những khó khăn trên đã tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo, khả năng duy trì chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đối với lực lượng nghệ sĩ đang tham gia giữ gìn, bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc…
Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp đã từng bước được triển khai, tháo gỡ các nút thắt trong chính sách, những vấn đề còn bất cập trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, công tác định hướng, phát triển sự nghiệp nghệ thuật.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước nói chung và ngành Văn hóa nói riêng đang gặp vô vàn khó khăn, song Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống cho nghệ sĩ. Chính sách đặc thù, gói hỗ trợ dành cho nghệ sĩ... đã mang tới nguồn động viên tinh thần to lớn cho lực lượng sáng tạo nghệ thuật.
Sáng lên ngọn lửa niềm tin qua nghệ thuật
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đã để lại nhiều nỗi đau, nỗi mất mát to lớn, ngành Văn hóa, với vai trò là điểm tựa tinh thần đã góp phần khơi dậy sức mạnh, ý chí trong mỗi người dân để động viên cùng vượt qua dịch bệnh.
Nghệ sĩ, với trách nhiệm cao nhất vẫn tiếp tục cống hiến, góp sức cùng cả nước chống dịch bằng những hành động thiết thực. Nhiều chương trình nghệ thuật ý nghĩa vẫn ra mắt trong bối cảnh đại dịch như: Những ngôi sao bất tử, Những mùa thu lịch sử, Giai điệu Việt…; chuỗi chương trình nghệ thuật online Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch thực hiện trên các kênh truyền hình, mạng xã hội đã kịp thời truyền tải những thông điệp có ý nghĩa gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước.
Ngành Văn hóa, với vai trò là điểm tựa tinh thần đã góp phần khơi dậy sức mạnh, ý chí trong mỗi người dân để cùng vượt qua dịch bệnh. |
Phó Cục trưởng Lê Minh Tuấn cho biết, thời gian tới, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tăng cường định hướng đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong sáng tác, biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống để có thể sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình đặc sắc nhằm giới thiệu đến công chúng trên các nền tảng trực tuyến như: youtube, mạng xã hội.
Tại Diễn đàn, nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ quyết tâm vượt lên mọi khó khăn để thực hiện tốt vai trò, chức trách của nghệ sĩ với công việc, với công chúng. Đặc biệt là sẽ không ngừng sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật và qua nghệ thuật để góp sức vào công cuộc chống, đẩy lùi dịch bệnh.
Chia sẻ với khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật đang gặp phải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, giữa những khó khăn, toàn ngành cùng nhau nhìn lại, tiếp cận theo hướng tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ trong thời gian tới. “Việc chuyển hướng trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao cũng góp phần cùng Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh. Các chương trình nghệ thuật online, nhà hát truyền hình không chỉ giúp thỏa mãn đam mê của nghệ sĩ mà còn như một liều “vắc xin tinh thần”, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân vượt qua đại dịch” - Bộ trưởng khẳng định, đồng thời đề nghị các đơn vị, các nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, cống hiến để thổi bùng ngọn lửa hi vọng, cùng cả nước sớm vượt qua đại dịch.
NGUYỄN LỘC