Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Đối nội - Ngày đăng : 14:05, 24/09/2021

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét Kế hoạch chi tiết và Đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.


Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, mục đích của chuyên đề giám sát là nhằm xem xét, theo dõi, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát và một số cơ quan có liên quan.
                
   

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Đồng thời, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn và công tác tổ chức thực hiện; kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các quy định trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo;…

Nội dung giám sát được tập trung vào 04 nhóm nội dung chính gồm: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ quan, người có thẩm quyền;

Tình hình, kết quả thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

Các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật về hình thức như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Bộ luật tố tụng: dân sự, hình sự, hành chính và các quy định của pháp luật chuyên ngành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH cơ bản tán thành với Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Trên cơ sở các ý kiến trong UBTVQH, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát quan trọng, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, liên quan đến nhiều cơ quan cả lập pháp, hành pháp và tư pháp và cũng là nội dung được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhân dân kỳ vọng,… Vì vậy, việc xác định rõ mục đích, yêu cầu là cơ sở để Đoàn giám sát đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.

UBTVQH đề nghị Đoàn giám sát lưu ý, qua giám sát phải trả lời cho được vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc nổi cộm, đông người mặc dù các quy định của pháp luật rất là chặt chẽ, đầy đủ. UBTVQH cũng yêu cầu Thường trực Đoàn giám sát thiết lập mẫu biểu đề cương để làm cơ sở xây dựng dữ liệu ban đầu cho việc cung cấp cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo sau này (phân loại rõ trong lĩnh vực, địa bàn, mức độ quan trọng...).

Kết quả giám sát cũng phải phải chỉ ra nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phải kiến nghị cụ thể với UBTVQH, Quốc hội về trách nhiệm, xác định thời hạn giải quyết các vụ việc phức tạp…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nhấn mạnh, nội dung giám sát là lĩnh vực rộng liên quan đến nhiều cơ quan. Vì vậy, Đoàn giám sát cần giải quyết tốt mối quan hệ với các cơ quan; phối hợp chặt chẽ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình giám sát; kết quả giám sát phải tạo chuyển biến căn bản, bước đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Đ. KHOA