Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa

Kinh tế - Ngày đăng : 23:36, 24/09/2021

(BKTO) - Tiếp nối thành công của 3 lần trước, ngày 24/9, Học viện Tài chính phối hợp với Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) và Viện kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “SEDBM 2021 - Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.


                
   

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Học viện Tài chính. Ảnh: N.Ly

   

Hội thảo SEDBM 2021 đã thu hút đựợc sự tham gia đông đảo của các giảng viên, sinh viên của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu… và các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về kinh tế đến từ các cơ quan trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, NGND, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - nhấn mạnh: Thế giới đang đứng trước nguy cơ đe dọa chưa từng có trong lịch sử làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, thương mại và mọi mặt đời sống xã hội. Để thích ứng với trật tự mới và tận dụng cơ hội từ tiến trình này, việc thiết lập hệ thống kinh tế "mềm dẻo" bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và tăng cường hệ thống thương mại đa phương là điều cần thiết.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các biện pháp phong tỏa hoạt động kinh tế và chính sách ứng phó khẩn cấp đã khiến hoạt động thương mại bất ngờ bị gián đoạn và một số chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Mặc dù có không ít những nghi ngại về sự bền vững của toàn cầu hóa song nhiều chuyên gia vẫn đặt niềm tin rằng xu hướng hợp tác và hội nhập quốc tế là tiến trình khó có thể đảo ngược, nhất là khi các nước đang hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch. Trong đó, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, “hồi hương” các lĩnh vực thiết yếu, xây dựng khả năng chống đỡ được cho là những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế của các quốc gia thời gian tới.

Là nền kinh tế có độ mở cao và hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều tác động, thách thức từ sự giảm sâu của tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới. Vì vậy, thích ứng với sự chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới, chủ động tham gia quá trình định hình những “luật chơi” mới là một yêu cầu không thể không tính tới.

Bên cạnh đó, sự đan xen của các quá trình hội nhập với hàng loạt các hiệp định tự do thương mại (FTA) vừa là cơ hội vừa là thách thức trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục xu hướng đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số để đón đầu cuộc cách mạng số hóa.

“Sự quyết tâm, đồng thuận và nâng cao việc quản lý của Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính quyết định. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững trong thế kỉ XXI” - NGND, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - nhấn mạnh.
                
   

Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài nước. Ảnh: N.Ly

   

Sau phiên họp toàn thể, Hội thảo SEDBM 2021 diễn ra theo hai phiên thảo luận với chủ đề: Kế toán, kiểm toán, công nghệ, xã hội và tài chính, kinh doanh, hội nhập, phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các ý kiến tại hai phiên thảo luận đã cùng phân tích, nhận định và đánh giá, dự báo, đề xuất giải pháp… về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa. Các ý kiến có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của toàn cầu, khu vực cũng như Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Cũng tại Hội thảo, Ban Tổ chức và Hội đồng biên tập Kỷ yếu SEDBM 2021 đã lựa chọn từ 131 bài nghiên cứu khoa học và 14 bài trình bày để trao giải bài báo tiêu biểu./.

THÙY LÊ