Kinh tế 2017: Lạc quan nhưng không được chủ quan
Kinh tế - Ngày đăng : 14:15, 30/10/2017
(BKTO) - Đây là quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ ngày 24/10, về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2018-2020.
Nhiều điểm sángnhưng không ít thách thức
Đánh giá về bức tranh kinh tế năm 2017 dựa trên báo cáo của Chính phủ, kết quả nổi bật nhất được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là sau nhiều năm nỗ lực, kinh tế năm 2017 dự kiến đạt và vượt kế hoạch 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ về đích 6,7%, sau nhiều năm hụt kế hoạch; mức bội chi NSNN thấp nhất trong 10 năm qua; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%…
Theo đánh giá của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), năm nay chúng ta hoàn thành mục tiêu kép: vừa kiểm soát được lạm phát, lại kéo giảm được lãi suất. Bội chi cũng được kiểm soát, giảm được 4.000 tỷ đồng và giữ 3,5% GDP; kiểm soát nợ công tốt... Nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ sự lạc quan và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) nhận xét, 13/13 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt kế hoạch là kết quả phấn đấu chung, nhưng rất nổi bật là sự điều hành của Chính phủ và các Bộ.
Các đại biểu trao đổi, trò chuyện bên hành lang Quốc hội.
Ảnh: THANH HẢI
Chia sẻ với Chính phủ về những kết quả đạt được, song các đại biểu Quốc hội cũng phân tích, chỉ rõ những bất cập, hạn chế của nền kinh tế đất nước. Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Quốc hội cần ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng DN, các tầng lớp nhân dân trong điều kiện khó khăn nhưng đã thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không được chủ quan, vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%.
Phân tích về các yếu tố tác động đến tăng trưởng, theo Chủ tịch Quốc hội như quý 3 vừa qua, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh nhưng chủ yếu nhờ vào một số sản phẩm điện tử, kim loại nhất định, chứ không phải tổng thể. Nếu sản phẩm đó suy giảm là ảnh hưởng đến ngân sách, tăng trưởng.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng bày tỏ lo ngại khi chỉ ra rằng, tăng trưởng của năm 2017 nhờ xuất khẩu là chủ yếu, gấp đôi kế hoạch, kết quả này phụ thuộc khá lớn vào DN FDI, nhưng các DN này cũng nhập nguyên vật liệu từ nước khác rất lớn, rõ nhất là Samsung và Formosa. DNNN chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị nên giá trị gia tăng thấp.
Sốt ruột về tình trạnglãng phí, phân bổ vốn chậm
Mối lo ngại khác được các đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên thảo luận đó là nghịch lý thu ngân sách khó khăn nhưng chi tiêu còn lãng phí, nợ công lớn, giải ngân vốn chậm.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), tăng thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn là sự cố gắng, quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính. Nhưng vấn đề đặt ra là chi tiêu lãng phí còn lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải thắt chặt chi tiêu, giảm chi, nhất là giảm chi hành chính, khắc phục tình trạng chỉ lo giải ngân mà không tính đến hiệu quả; tình trạng chi khống, làm khống…
Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) phân tích, hiện ngân sách vẫn đang "nặng gánh" với việc chi thường xuyên khi đã nỗ lực trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn mà hiệu quả mang lại chưa cao. Phần chi cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng còn lại rất ít. Trong khi đó, nguồn vốn huy động xã hội giữ vai trò rất lớn đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ câu chuyện BOT giao thông. "Không có đầu tư hôm nay sẽ ảnh hưởng cho nhiều năm sau đó. Vì vậy, cần sử dụng vốn nhà nước một cách tiết kiệm, hiệu quả. Còn với vốn tư nhân, cần tập trung trí tuệ để đề ra được giải pháp thu hút vốn trong dân, vốn nhàn rỗi, tạo điều kiện có lợi nhuận cho DN vì nếu không DN dù có tiền cũng không thể đầu tư cho xã hội" - ông Thể nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) thẳng thắn chỉ ra 3 lãng phí của nền kinh tế. Đó là nguồn nhân lực, đất đai và xây dựng cơ bản. Đại biểu đặt vấn đề: Tại sao nói mãi nhưng cổ phần hóa DNNN vẫn chậm? Thoái vốn chậm nguyên nhân do đâu? Vì lý do gì? Bộ, ngành nào chậm? “DN là sức khỏe của nền kinh tế. Nếu không thúc đẩy được thì kinh tế đất nước không thể phát triển cho nên cần làm quyết liệt hơn nữa” - đại biểu đề nghị.
Đề cập đến vấn đề giải ngân vốn chậm, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM) chỉ ra thực tế, nhiều dự án trọng điểm đang thiếu vốn, trong khi có dự án lại có tiền không tiêu được. Việc chậm giải ngân vốn sẽ ảnh hưởng đến dài hạn, tiềm ẩn những rủi ro tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cũng đề nghị phân tích rõ nguyên nhân tại sao giải ngân vốn chậm. Các tổ chức nước ngoài than phiền Việt Nam thiếu tiền đi vay, nhưng khi đã vay được rồi lại không bố trí đủ vốn đối ứng để giải ngân khoản vay đó. Đại biểu kiến nghị, trong năm 2018, trật tự phân bổ vốn đầu tư công cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời rà soát, đảm bảo cơ cấu chi để tăng chi cho đầu tư phát triển.
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017