Tiềm ẩn rủi ro trong nguồn thu của các trường tự chủ

Xã hội - Ngày đăng : 15:10, 30/10/2017

(BKTO) - Bên lề Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập, Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học (ĐH Kinh tế Quốc dân), Chuyên gia Nhóm nghiên cứu xây dựng Báo cáo kết quả thí điểm tự chủ tại các cơ sở GDĐH - về những kết quả nổi bật của quá trình thực hiện chủ trương này.


Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ ở các cơ sở GDĐH thời gian qua?

- Sau 3 năm triển khai (từ năm 2014), đến nay đã có 23 cơ sở GDĐH công lập thực hiện tự chủ. Trong đó, 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm. Các cơ sở GDĐH được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Các cơ sở GDĐH này đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận. Nhiều trường đã chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Quy mô đào tạo chính quy, đại trà có phần suy giảm nhưng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh…

PGS.TS Lê Trung Thành. Ảnh: L.NGUYỄN

Bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ ĐH ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp. Các cơ sở GDĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về quyền của mình, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả...
Những bất cập này đã làm hạn chế hiệu quả trong việc thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH. Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Vậy ông thấy vấn đề nổi lên của các trường, sau khi thực hiện thí điểm tự chủ là gì, thưa ông?

- Trọng tâm của vấn đề tự chủ chính là tự chủ tài chính. Tuy nhiên, đây lại đang là vấn đề nổi lên trong quá trình thực hiện tự chủ của các trường. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nguồn thu chính của các trường vẫn là học phí và lệ phí (tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ). Trong khi đó, các khoản thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn DN chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu của các trường.

Điều này chứa đựng rủi ro về tài chính bởi nguồn thu chính của các trường phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đào tạo và mức thu học phí. Cả hai yếu tố này Nhà nước vẫn đang kiểm soát và quy định về trần học phí và chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Do đó, nếu nguồn thu chủ yếu không được tạo ra từ nội lực các trường mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan thì nguồn thu này sẽ không bền vững và trong dài hạn sẽ gây bất lợi cho chất lượng đào tạo khi việc tuyển sinh gặp khó khăn hoặc Nhà nước cắt giảm chỉ tiêu. Điển hình như thời gian qua, quy mô tuyển sinh của một số trường thí điểm tự chủ giảm xuống, do mức học phí các trường này cao hơn so với mặt bằng chung.

Theo ông, để thực hiện tự chủ thành công, các cơ quan chức năng các trường cần phải làm gì?

- Về cơ chế, chính sách, ngoài những điều đã đạt được, Nhóm nghiên cứu thấy rằng hoạt động tự chủ của các trường ĐH đang chịu ảnh hưởng của nhiều luật khác nhau, như Luật GDĐH; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mặc dù cơ quan chức năng đã ban hành một số văn bản dưới luật mang tính “cởi trói” nhưng chưa tạo ra đột phá trong việc đổi mới các cơ sở GDĐH.

Do đó, chúng tôi đề nghị cần sớm làm rõ khái niệm, các quy định cụ thể về tự chủ và quyền của các trường ĐH; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ ĐH; nhân rộng việc giao quyền tự chủ đối với các cơ sở GDĐH để nội dung này trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; tiếp cận vấn đề tự chủ ở nhiều góc độ…

Đặc biệt, Nhà nước cần sớm bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản” đang tồn tại hiện nay, tạo cơ chế độc lập cho các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm giám sát quá trình công khai, minh bạch ở các trường; triển khai, hướng dẫn thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng đào tạo, từng bước tiến tới thực hiện phương thức đấu thầu đào tạo …

Điều đáng mừng là những bất cập trên cũng đã được lãnh đạo Chính phủ, ngành Giáo dục nhìn nhận và quyết tâm sửa đổi. Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định sẽ phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục thực hiện tự chủ ĐH, không dừng lại ở thí điểm.

Do đó, ngay từ lúc này, bản thân các trường cần chủ động trong việc thực hiện các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được giao. Chỉ khi có sự chuyển biến từ nhận thức, ý thức, cùng với sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách thì chủ trương tự chủ mới có thể thành công, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương và toàn xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017