Gỡ rào cản để phát triển năng lượng tái tạo

Xã hội - Ngày đăng : 15:20, 30/10/2017

(BKTO) - Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về đảm bảo an ninh năng lượng khi đã dừng triển khai dự án điện hạt nhân, các nguồn thủy điện lớn không còn và nhiệt điện than bị phản đối gay gắt. Yêu cầu đặt ra lúc này là cần tháo gỡ những rào cản để phát triển các dự án nguồn điện mới như năng lượng tái tạo (NLTT).


Cảnh báo nguy cơ thiếu điện

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2020 đạt 265 tỷ kWh, năm 2030 là 570 tỷ kWh (cao gần gấp 3 lần so với khoảng 170 tỷ kWh hiện nay); trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt... ngày càng cạn kiệt. Để cân đối mục tiêu trên, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỷ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỷ kWh vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận định: Trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhu cầu điện tại Việt Nam tăng mạnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2016, nhu cầu điện thương phẩm tăng 9,5%/năm, điện tiêu dùng tăng khoảng 11%/năm. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng.

Mặt khác, theo thống kê, từ năm 2015, Việt Nam đã chính thức chuyển từ quốc gia xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng với tổng số 3% nhu cầu năng lượng sơ cấp phải nhập. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 24% vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không đẩy mạnh phát triển NLTT thì tỷ lệ nhập khẩu có thể lên đến 44% vào năm 2030.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng: Với đặc điểm địa hình và khí hậu như Việt Nam, cần tập trung phát triển 3 dạng NLTT là điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối, bởi đây là những nguồn năng lượng tiềm năng, “cứu cánh” nguồn cung cho tương lai.

Phát triển NLTT gặp nhiều thách thức

Mặc dù Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, khẳng định ưu tiên phát triển nguồn NLTT với mục tiêu đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện mới là 180 MW). Giá bán điện của các dự án này tương đương 7,8 U.S.cent/kWh (trong đó Nhà nước hỗ trợ 1 cent thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường). Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể); đến năm 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW. Cơ chế hỗ trợ về giá bán điện là 9,35 U.S.cent/kWh với thời hạn của hợp đồng là 20 năm.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu trên cũng gặp không ít những thách thức. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cơ chế hỗ trợ về giá vẫn chưa tạo ra động lực thúc đẩy thực sự cho các nguồn NLTT khác nhau phát triển. Chẳng hạn, tại Bình Thuận, đã có 9 dự án điện gió được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt chủ trương, nhưng mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động; các dự án còn lại đang được triển khai, nhưng tiến độ rất chậm. Hay tại Bình Định có những dự án điện gió dù đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 và 2009 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng dù đã được UBND tỉnh nhiều lần gia hạn.

GS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng: Trở ngại lớn nhất khiến các dự án NLTT chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là do giá mua điện gió của Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với giá thành đầu tư. Bên cạnh đó, do đây là những dự án mới, nên trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, thách thức; chi phí đầu tư sản xuất khá lớn. Chưa kể, chi phí đầu tư lớn nên các nhà đầu tư dự án NLTT khó vay vốn các tổ chức tín dụng trong nước, lãi suất vay còn cao. Nhà đầu tư cũng khó tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước nên việc đàm phán, thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án gặp khó khăn, kéo dài.

Để thúc đẩy phát triển NLTT, ông Trần Viết Ngãi kiến nghị: Chính phủ cần sớm tổ chức lập quy hoạch về phát triển NLTT; xác định giá trị đầu tư hợp lý cho các dự án; đồng thời có chủ trương xây dựng 1 - 2 khu công nghệ cao đối với việc sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng, đặc biệt là NLTT để giảm nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài. Ngoài ra, các địa phương có dự án NLTT cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có quỹ đất sạch; giá điện cần điều chỉnh ở mức hợp lý hơn. Nhà nước cần miễn, giảm thuế để tăng tính khuyến khích; nhà đầu tư thực hiện các dự án NLTT…

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017