Biến khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 thành cơ hội của các nghị viện

Đối nội - Ngày đăng : 15:05, 29/09/2021

(BKTO) Chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Nghị viện toàn cầu lần thứ nhất với chủ đề “Biến những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 thành cơ hội của các nghị viện nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.


Hội nghị do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Hạ viện Indonesia đồng tổ chức.
                
   

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến. Ảnh: quochoi.vn

   
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, các nghị viện đã tham gia thông qua nhiều hình thức để thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến tiến độ đạt được các mục tiêu bị đình trệ, thậm chí là đảo ngược.

Vào thời điểm hiện nay, khi các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, y tế, và môi trường cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương, việc tăng cường cam kết, hành động và hợp tác của các nghị viện để đưa ra được các giải pháp bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình nhấn mạnh, ngay trước đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đã phần nào thấp hơn dự kiến ở một số mục tiêu. Hiện nay, đại dịch đang cản trở động lực phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các cộng đồng và khu vực vốn dễ bị tổn thương, triển vọng đạt được các SDGs vào năm 2030 đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo báo cáo năm 2021 “Chương trình vì mục tiêu phát triển bền vững của Châu Á và Thái Bình Dương”, Ủy hội Xã hội Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
                
   

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

   

Theo ước tính hiện tại, khu vực này chỉ có thể đạt được dưới 10% mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Do đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình đề nghị cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ ứng phó với đại dịch trong khu vực và ở mỗi quốc gia.
         
   
Đối với Việt Nam, Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện Chương trình nghị sự dự báo: Việt Nam đang trên đà đạt được 5 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững; 10 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam có thể gặp khó khăn và thách thức; 2 mục tiêu cụ thể đã được xác định là rất khó đạt được vào năm 2030, bao gồm Mục tiêu 12: Tiêu dùng và sản xuất bền vững (Đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững), và Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững.
   Trong số 115 mục tiêu cụ thể, có 54 mục tiêu cụ thể dự kiến hoàn thành (đạt gần 47%), nhưng 48 mục tiêu cụ thể còn lại (chiếm 41,7%) sẽ gặp khó khăn, thách thức; 13 mục tiêu cụ thể (chiếm 11,3%) sẽ rất khó đạt được vào năm 2030.
   Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc năm 2020, Việt Nam đạt 72,85 điểm, xếp thứ 51/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, cao hơn mức trung bình của nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương về thực hiện các SDGs.

Chia sẻ kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam, ông Phạm Phú Bình cho biết: Quốc hội Việt Nam đã ban hành Bộ công cụ tự đánh giá của IPU cho tất cả các Ủy ban để giúp đánh giá vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các SDGs.

Năm 2020, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã thu thập thông tin và báo cáo về công việc của các Ủy ban của Quốc hội trong việc thúc đẩy các SDGs. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát, rà soát tiến trình thực hiện và chất lượng các SDGs ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các Ủy ban khác như Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường… đã tổ chức các hoạt động giám sát về các mục tiêu phát triển cụ thể, liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo, biến đổi khí hậu và nhiều mục tiêu khác.

Quốc hội Việt Nam có kế hoạch tham gia sâu hơn nữa bằng cách đặt ra một kế hoạch giám sát tổng thể; thường xuyên yêu cầu thông tin và dữ liệu về tiến độ thực hiện; tổ chức các phiên giải trình hoặc tổ chức các hoạt động giám sát để xác định những thách thức và thuận lợi; chuẩn bị báo cáo hàng năm của các SDGs; đồng thời mong muốn hợp tác sâu hơn với các tổ chức quốc tế khác như các cơ quan của Liên Hợp Quốc và IPU.
                
   

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

   

Tại Hội nghị, đại biểu Nghị viện các nước cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề đóng góp của nghị viện vào việc thực hiện các SDGs trong đại dịch Covid-19, tận dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác; cách thức để thúc đẩy nỗ lực dẫn dắt của Quốc hội để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong bối cảnh đại dịch, trong đó có vấn đề đảm bảo các khuôn khổ pháp lý cần thiết và vận động đầu tư vào y tế.

Hội nghị trực tuyến Nghị viện toàn cầu lần thứ nhất diễn ra trong 3 ngày từ ngày 28/09 đến ngày 30/09/2021. Các đại biểu sẽ thảo luận xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu. Các đại biểu sẽ được nghe những số liệu, dẫn chứng cụ thể và mới nhất về biến đổi khí hậu, đồng thời đưa ra các giải pháp cho vấn đề này, thảo luận cách thức để các Nghị viện có thể đưa vấn đề này vào trong các chính sách và hành động. Ngoài ra, Nghị viện các nước cũng tập trung cho ý kiến về vấn đề đầu tư trong tương lai hướng tới sự phục hồi và phát triển kinh tế bền vững./.

Đ. KHOA