Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đối nội - Ngày đăng : 19:05, 29/09/2021

(BKTO) - Đây là tên gọi của Tọa đàm đối thoại chính sách do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 29/9 theo hình thức trực tuyến.


                
   

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hoàng Linh

   

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Công thương; cùng các đại biểu đến từ các cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện các DN.

Phát biểu khai mạc, PGS,TS. Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoảng cách giữa không gian vật lý và không gian kĩ thuật số đang dần thu hẹp lại với những công nghệ tiêu biểu như: phân tích dữ liệu lớn, robot và tự động hóa quá trình, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật...

"Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp thu thập và phân tích dữ liệu, cho phép các quy trình nhanh, linh hoạt và hiệu quả hơn. Tự động hóa và số hóa sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế. Đi kèm với những thay đổi to lớn này, thể chế và khung pháp luật cần được thay đổi để bắt kịp xu hướng mới" -PGS,TS. Bùi Huy Nhượng nhấn mạnh.
                
   

PGS,TS. Bùi Huy Nhượng phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Hoàng Linh

   

PGS,TS. Bùi Huy Nhượng hy vọng thông qua Tọa đàm, những vấn đề bất cập trong thể chế và pháp lý cũng như những vấn đề tổ chức thi hành pháp luật trong một số hoạt động kinh doanh sẽ được phân tích với các góc nhìn đa chiều, từ đó có thể đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận vào các nội dung: Làm rõ một số khía cạnh kinh tế, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề pháp lý đặt ra; đánh giá về thực tiễn ứng dụng, hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vướng mắc, bất cập về pháp lý; trao đổi về kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc thúc đẩy ứng dụng các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động kinh doanh; kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và các vấn đề khác liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

NGUYỄN LỘC