Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA
Đối nội - Ngày đăng : 12:35, 01/10/2021
(BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị nhóm 6 ngân hàng phát triển rà soát lại các quy trình, thủ tục để phối hợp với Chính phủ Việt Nam cùng tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA trong thời gian tới.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Chiều 30/9, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có cuộc làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển về các giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án ODA và sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài (Nghị định 56)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, nguồn vốn ODA có vai trò hết sức quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến phương án huy động, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 300.000 tỷ đồng.
Tổng giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 9 tháng năm 2021 đạt trên 293 triệu USD, bằng 52,86% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài ước đạt 18,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tỷ lệ giải ngân chậm, đặc biệt từ đầu năm đến nay là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, khiến công tác cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia dự án ODA, việc thu xếp thủ tục nhập cảnh thường kéo dài; nhân công bố trí trên công trường thi công của các nhà thầu bị hạn chế do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chủ đầu tư các dự án ODA gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các thiết bị, hàng hóa phục vụ cho các dự án ODA…
Về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, một số dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chậm triển khai giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất thiết kế cơ sở, trong khi một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc do thủ tục giải ngân do nhà tài trợ yêu cầu khác phức tạp.
Bên cạnh đó, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước về đầu tư, các dự án sử dụng ODA còn phải hoàn thiện thêm hồ sơ, thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân… tiến hành thương lượng, trao đổi, xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ, do đó mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai và giải ngân các dự án.
Về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56, Bộ dự kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với trường hợp điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không làm thay đổi những nội dung còn lại của quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với khoản hỗ trợ ngân sách, chỉ quy định hình thức vay hỗ trợ ngân sách chung theo cơ chế hòa đồng cho ngân sách Trung ương. Còn với khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu, chỉ quy định khoản vay hỗ trợ ngân sách có mục tiêu thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại diện các ngân hàng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai dự án và giải ngân nguồn vốn ODA.
Đại diện các ngân hàng cũng đã thảo luận với đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc trong các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiện nay; đồng thời đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56, như thủ tục điều chỉnh dự án, phương thức hỗ trợ ngân sách, cho DN vay lại vốn ODA…
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - bà Carolyn Turk - đề xuất, thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn bị một số dự án lớn, có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa thay vì các dự án nhỏ lẻ, manh mún… để tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của các đối tác tài trợ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, trong thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong các dự án cụ thể 6 ngân hàng nêu trong cuộc họp hôm nay.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến của nhóm 6 ngân hàng và các cơ quan liên quan đến chỉnh sửa Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56 để sớm trình Chính phủ.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, mới đây Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với tất cả các Bộ, ngành, địa phương nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, thống nhất quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất số vốn đầu tư công còn lại của năm 2021 là gần 250.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đó, ngoài việc Chính phủ đã nỗ lực khắc phục những khó khăn vướng mắc về thể chế, Phó Thủ tướng đề nghị 6 ngân hàng phát triển rà soát lại các quy trình, thủ tục của mình để phối hợp với Chính phủ tháo gỡ vướng khắc, cùng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này trong thời gian tới.
Về định hướng giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng mong muốn 6 nhóm ngân hàng phát triển cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đưa ra những dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới./.
HỒNG NHUNG