Serbia mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt với Việt Nam

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 22:37, 01/10/2021

(BKTO) - Ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã có cuộc tham vấn chính trị trực tuyến với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Serbia Vladimir Maric. Tại cuộc tham vấn, Trợ lý Bộ trưởng Vladimir Maric khẳng định Serbia mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, đầu tư.


                
   

Thứ trưởngBộ Ngoại giao Tô Anh Dũng tham vấn chính trị trực tuyến với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Serbia Vladimir Maric. Ảnh: BNG

   

Tại cuộc tham vấn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Serbia.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cảm ơn Chính phủ Serbia đã quyết định hỗ trợ 20.000 liều vắc xin Sputnik V cho Việt Nam, khẳng định đây là hành động rất đáng trân trọng, thể hiện tình cảm chân thành, gắn bó giữa hai dân tộc trong suốt hơn 6 thập kỷ qua; đồng thời mong muốn Serbia tiếp tục xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vladimir Maric khẳng định, Chính phủ Serbia đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, cũng như những nỗ lực phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 thời gian gần đây; đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.

Trong khuôn khổ cuộc tham vấn, hai bên đã rà soát các trọng tâm, định hướng hợp tác kinh tế - thương mại cho giai đoạn tới trong các lĩnh vực Serbia có nhu cầu và Việt Nam có thế mạnh như: nông sản thực phẩm, thủy hải sản, cà phê, hàng dệt may, đồ gỗ, công nghệ thông tin.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng và lao động, coi đây là những lĩnh vực tiềm năng cần thúc đẩy trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh tự do hàng hải, hàng không tại khu vực cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982./.
DIỆU THIỆN