Xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023
Chính trị - Ngày đăng : 10:35, 04/10/2021
(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để tổng hợp, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 bám sát thực tiễn và hiệu quả.
Cần nhanh chóng hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị, các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế… đã thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19; mục tiêu, đối tượng, phạm vi, thời gian thực hiện Chương trình; giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế đến năm 2023.
Theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Andrew Jeffries, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt. Đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương.
Nhấn mạnh mối tương quan giữa độ phủ vắc xin và phục hồi kinh tế, ông Andrew Jeffries cho rằng, Việt Nam cần chủ động tận dụng các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud cho rằng, Việt Nam nên tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa các gói hỗ trợ tài chính và tài khóa, chú trọng nhiều hơn đến phần chi tiêu, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thuế.
Theo các chuyên gia, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm cả DNNN, DN tư nhân và DN FDI; cơ hội để đẩy mạnh năng lực hệ thống y tế và sản xuất các trang thiết bị y tế trong nước; cơ hội để phát triển kinh tế nhanh hơn theo hướng an toàn, bền vững và bao trùm…
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Trong vai trò chuyên gia của ngành KH&ĐT, ông Cao Viết Sinh đề xuất, thay vì đưa ra các nhóm giải pháp thì nên thiết kế Chương trình theo 5 chương trình thành phần, bởi trong bối cảnh hiện nay, phục hồi và phát triển kinh tế là vấn đề rất lớn.
Cụ thể, ông Cao Viết Sinh nêu rõ 5 chương trình thành phần gồm: tiêm vắc xin gắn với mở cửa nền kinh tế; phục hồi DN và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên các trụ cột về kinh tế; phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước; khơi thông nguồn lực để phát triển, tập trung vào kết cấu hạ tầng và chương trình quan trọng nhất - được xem như “chìa khoá” tạo nền tảng cho những quyết sách quan trọng - đó là cải cách thể chế, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, nhất là bộ máy chính quyền cơ sở.
Từ thực tiễn công tác chống dịch thời gian qua cho thấy, cải cách thể chế, tăng cường chất lượng thực thi của chính quyền cơ sở là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi kinh tế không những trong ngắn hạn, mà còn về dài hạn và có tính bền vững.
Đối với chương trình phục hồi DN và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, ông Cao Viết Sinh cho rằng cần lưu ý đến các vấn đề xử lý vướng mắc, giảm lãi suất khoản cho vay, phục hồi chuỗi giá trị, khoanh nợ cho DN có tiềm năng, lợi thế, còn các DN không có tiềm năng thì phải tính đến việc tái cơ cấu hoặc giải thể…
Đi cùng với 5 chương trình thành phần là điều kiện về quản lý rủi ro cho quá trình kích thích nền kinh tế, có nghĩa là việc quản lý kinh tế khi mở cửa trở lại phải làm sao để bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát nợ xấu cũng như tỷ lệ DN phá sản - ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nên chuyển đổi chiến lược từ “mục tiêu kép” thành “đa mục tiêu”, bao gồm bảo đảm hệ thống y tế, yếu tố an sinh xã hội và năng lực phát triển kinh tế.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, cần thiết kế gói hỗ trợ mới tập trung vào đối tượng lao động tự do, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN; đồng thời cần có lộ trình kế hoạch mở cửa rõ ràng để DN chuẩn bị lực lượng lao động; tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trên cơ sở phát triển kinh tế xanh.
Theo các chuyên gia, tài khóa là chính sách quan trọng trong chương trình phục hồi kinh tế. Vì vậy, nên mở rộng quy mô chính sách tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ để đáp ứng được các nguồn lực phục hồi và phát triển trong thời gian tới. |
Đáng chú ý, việc sản xuất, cung ứng đầu vào, đầu ra đang phụ thuộc quá nhiều vào một số ít DN hay thị trường. Do đó, tính tự chủ, tự lực, tự cường thấp, cần phải chú ý phát triển năng lực dự phòng và dự trữ để tăng khả năng chống chịu… của các DN, từ đó tăng khả năng phục hồi và phát triển của cả nền kinh tế.
P.KHANG