Kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015:Kỳ cuối: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:30, 19/01/2017

(BKTO)- Tổng hợp những kết quả xuyên suốt toàn bộ cuộc kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị chính sách quan trọng đối với Thủ tướng Chính phủ, các DNNN và một số Bộ, ngành liên quan.


KTNN kiến nghị cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để hoàn thành công tác cổ phần hóa
các DNNN
. Ảnh: TS
Các Bộ, địa phương, DNNN cần quyết liệt hơn

Cụ thể, đối với các TĐ, TCT Nhà nước, KTNN kiến nghị cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để hoàn thành công tác cổ phần hóa đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch; khắc phục những hạn chế, tồn tại của giai đoạn 2011-2015 để thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả theo kế hoạch đề ra, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các TĐ, TCT cần tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thoái vốn Nhà nước ở DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; tăng cường trách nhiệm quyền hạn và chỉ đạo đối với người đại diện vốn tại DN khác…

Kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, KTNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, địa phương, TĐ, TCT Nhà nước, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN phối hợp với SCIC thực hiện chuyển giao về SCIC; tiếp tục nghiên cứu cơ chế bàn giao về SCIC quản lý vốn Nhà nước đối với các DN có chuyên ngành cao về kinh tế - kỹ thuật, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành của các Bộ, các DN quản lý nhiều đất đai (công ty nông, lâm nghiệp).

Song song với đó, KTNN cũng kiến nghị một số Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ soạn thảo, trình Chính phủ ban hành các quy định cụ thể liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DN; quy định về tuyển dụng, quản lý lao động đối với viên chức quản lý trong DN; quy định về công tác cán bộ trong DN, cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm, thuê lãnh đạo DN; xây dựng tiêu chí phân loại DNNN trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng thu hẹp lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại các DN thuộc diện cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại các công ty cổ phần mà Nhà nước không chi phối.

Bộ Tài chính cần phát huy vai trò tham mưu chính sách

Đối với Bộ Tài chính, KTNN kiến nghị Bộ nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 theo hướng: tính giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước vào giá trị khởi điểm đảm bảo tính đầy đủ giá trị lợi thế của DN, tránh thất thoát khi thoái vốn Nhà nước; sửa đổi, bổ sung một số điểm của điều 21, điều 38 Nghị định 91 (về chuyển nhượng vốn/cổ phiếu đối với các DN đã niêm yết; định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn, nguyên tắc đặt lệnh khi thoái vốn Nhà nước, không góp vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản).

KTNN nhấn mạnh, đối với các DNNN, nếu không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại đất cho Nhà nước, tránh tình trạng DNNN lách luật dưới hình thức thành lập liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh với đối tác, không bỏ tiền, tài sản nhưng đánh giá giá trị lợi thế quyền thuê đất để góp vốn rồi thực hiện thoái vốn cho đối tác, thực chất là chuyển nhượng đất thuê Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về quy định bán cổ phần theo lô. Trong đó, cần quy định điều kiện nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư mua cổ phần theo lô cam kết gắn bó lâu dài với DN, cũng như các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài xử lý nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết; quy định tiêu chí hỗ trợ DN trong chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đổi mới quản trị DN, phát triển thị trường…

Đặc biệt, KTNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét chấm dứt cơ chế bán vốn 30:70 (cơ chế đấu giá công khai 30%, thỏa thuận 70%) được quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013. Đồng thời, Bộ cần có biện pháp quản lý, chỉ đạo để nâng cao hiệu quả trong đầu tư vốn, quản lý vốn đối với các DN được tiếp nhận của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)./.

Box: Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết: Những phát hiện của KTNN qua kết quả kiểm toán tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 như: Giao dịch biên độ, thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa phù hợp; bất cập trong quản trị, quản lý vốn… sẽ được Bộ Tài chính đưa vào kế hoạch sửa đổi trong năm 2017.

Việc sửa Nghị định 91/2015/NĐ-CP còn nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật DN, thực hiện tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 với chủ trương quyết liệt, mạnh mẽ hơn, gắn trách nhiệm của DN, nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu rủi ro.

Để đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP với một số nội dung chính như sau:Về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược điều chỉnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết; điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai, bỏ hình thức bán thỏa thuận trước; thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm) để phù hợp với quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 119 Luật DN (xác định như cổ đông sáng lập).

Đối với DN cổ phần hóa, dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng được KTNN thực hiện kiểm toán là: Công ty mẹ thuộc TĐ kinh tế Nhà nước; các DNNN (bao gồm công ty mẹ thuộc TCT Nhà nước, các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) và các công ty TNHH MTV do các TĐ kinh tế, TCT Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có vốn chủ sởhữu theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị DN từ 5.000 tỷ đồng trở lên; các công ty TNHH MTV khác khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

NHÓM PHÓNG VIÊN