Doanh nghiệp vẫn trông đợi chính sách hỗ trợ "tiền tươi, thóc thật"
Đối nội - Ngày đăng : 20:35, 07/10/2021
(BKTO) - Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, như: giãn, hoãn tiền thuế, hỗ trợ về tín dụng… Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ còn hạn chế và DN cần được hỗ trợ “tiền tươi thóc thật”.
DN cần được hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” để hồi phục và phát triển |
Chính sách giúp doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 8 tháng năm 2021, đã có trên 85.000 DN rút khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội kéo dài.
Đặc biệt, trong 4 tháng trở lại đây, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, nhiều đơn hàng bị mất. Các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do thực hiện được “3 tại chỗ”, còn lại, 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài suốt từ năm 2020 đến nay với mức độ ngày càng phức tạp, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, trong đó có các chính sách giãn, hoãn tiền thuế, hỗ trợ về tín dụng. . .
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế - cho biết, trong năm 2020, ngân sách đã hỗ trợ cho người dân và DN 129.000 tỷ đồng.
Đến năm 2021, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ duy trì chính sách miễn, giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của DN và đời sống người dân, đồng thời duy trì giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu...
Với Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, Bộ Tài chính ước số tiền gia hạn thuế, tiền thuê đất cho DN khoảng 115.000 tỷ đồng.
Đến nay, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 78.501 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được hỗ trợ nhiều nhất là tiền thuế giá trị gia tăng chiếm 60% tổng số tiền hỗ trợ.
Mới đây, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 khoảng 21.300 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ miễn giảm trực tiếp số thuế phải nộp cho DN.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết: Hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các DN theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính từ ngày 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết với Hiệp hội Ngân hàng. |
Vẫn cần nhóm giải pháp mạnh và thực chất hơn
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của DN còn rất hạn chế; nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của DN (nhiều dự báo cho rằng, phải đến giữa năm 2022, các DN mới phần nào khôi phục được).
Các chính sách thuế mới thực hiện tích cực từ phía “giảm thu”, chưa “tăng chi” để hỗ trợ DN và người dân. Mức độ hỗ trợ còn ít, bởi đối với chính sách “giảm thu”, DN nào còn doanh thu mới được thụ hưởng, trong khi nhiều DN hiện không còn nguồn thu nên tỷ lệ thụ hưởng hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ mới ở mức giãn, hoãn, chưa giảm.
Từ đó, ông Tuấn khuyến nghị, DN cần các nhóm giải pháp mạnh hơn, đó là hỗ trợ “tiền tươi thóc thật”. Các chính sách cần “thân thiện” với đối tượng thụ hưởng bằng cách quy định đơn giản, dễ hiểu và có cơ chế giải quyết vướng mắc cho DN.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hiệu ứng lớn trên thực tế và nhiều động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Ông Tuấn cũng đề nghị cần đánh giá độc lập về hiệu quả triển khai các chương trình hỗ trợ.
Về nguồn lực cho tín dụng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho hay, dư địa về nguồn lực để ngành ngân hàng hỗ trợ DN không còn nhiều. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu, vay từ ngân hàng trung ương như các quốc gia khác… để có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế./.
THÙY ANH
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)