Tăng cường hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:36, 07/10/2021
(BKTO) - Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản ở thị trường trong và ngoài nước. Hơn nữa, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…
Bộ Công Thương tích cực thực hiện nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng hóa. Ảnh: nhandan.vn |
Tích cực vào cuộc kết nối tiêu thụ hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các địa phương trong vùng dịch.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã tập trung triển khai rất quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Trao đổi về chuỗi cung ứng hàng hóa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả hai chiều cung - cầu. Bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các DN đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả nguyên liệu thô đầu vào và nhân công phục vụ sản xuất kinh doanh.
Minh chứng rõ nhất là tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ngành dệt may, da giày, điện tử. Do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu giảm mạnh nên xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, nhất là xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Mỹ, EU… Con số xuất khẩu của ngành dệt may tháng 8/2021 giảm 15,9% so với tháng 7/2021 và giảm 2,63% so với tháng 8/2020; xuất khẩu tháng 9 đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% so với tháng 9/2020.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD năm 2021, tương đương như năm 2019 sẽ rất khó khăn, ngay cả khi hoạt động sản xuất đang từng bước được khôi phục từ tháng 10/2021.
Tại thị trường trong nước, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu rõ, doanh số bán lẻ tháng 8/2021 đã giảm hơn 33% so với cùng kỳ năm trước và tháng 9 cũng giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu như công nghiệp tăng trưởng tốt vào tháng 5 thì dịch bệnh đã khiến tăng trưởng bắt đầu chậm lại vào tháng 6, không có tăng trưởng trong tháng 7, bắt đầu giảm mạnh vào tháng 8 và tiếp tục giảm mạnh vào tháng 9/2021…
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, góp phần phục hồi kinh tế
Để thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu. Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, mục tiêu đề ra là hỗ trợ tối thiểu 600 lượt DN, hợp tác xã tiếp cận, nắm rõ thông tin của các thị trường.
Triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: BCT |
Đồng thời, Cục tiếp tục tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực, nhóm ngành hàng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đặc biệt nữa là quan tâm quảng bá về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm, hàng hóa Việt trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ đắc lực cho việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại thông qua thương mại điện tử với phương thức phân phối truyền thống là giải pháp căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đưa ra khuyến nghị chính sách, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh, muốn thúc đẩy tăng trưởng trở lại, kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh cho DN, cần có những chính sách hỗ trợ với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài và quyết định đủ nhanh.
Bởi thời gian qua, những chính sách hỗ trợ của Việt Nam khá tương đồng với thế giới như: hỗ trợ trên diện rộng, triển khai nhiều cách thức hỗ trợ, song quy mô hỗ trợ vẫn còn khá khiêm tốn so với mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, ngoài những hỗ trợ về ngân sách, chúng ta còn nhiều dư địa chính sách để hỗ trợ DN và người dân.
QUỲNH ANH