Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu

Chính trị - Ngày đăng : 10:05, 09/10/2021

(BKTO) - Sáng 08/10, tại Nhà khách Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội nghị ''Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu''. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa tham dự và trình bày chuyên đề tại Hội nghị.



Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước tới nay (99,60%), Quốc hội đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND 3 cấp. Có gần 300/499 đại biểu Quốc hội lần đầu trúng cử.
                
   

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

   


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, việc tổ chức Hội nghị giới thiệu những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhằm cung cấp hành trang ban đầu để đại biểu Quốc hội thực hiện đúng, đủ, tròn, chính xác nhiệm vụ của người đại biểu, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân là việc làm cần thiết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ hoạt động trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, là nhiệm kỳ Quốc hội khởi đầu của giai đoạn phát triển đất nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để thực hiện được đầy đủ, toàn diện vai trò, trách nhiệm Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vai trò, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Hiện nay, Bộ Chính trị đã triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”, đồng thời giao Đảng đoàn Quốc hội xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và sự mong đợi của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu là yêu cầu quan trọng, thường xuyên, thông qua trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đại biểu Quốc hội là chủ thể trung tâm hoạt động của Quốc hội, Quốc hội có thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng theo Hiến pháp hay không phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, năng lực và kỹ năng hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Nhận thức được điều này, trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, Ban Công tác đại biểu, trực tiếp là Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã ngày càng đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức, cách thức tổ chức bồi dưỡng, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội các khóa. Theo tinh thần đó, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã xây dựng khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó đặc biệt quan tâm đến đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu.
                
   

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

   

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Ban Công tác đại biểu chưa tổ chức trực tiếp các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho tất cả các đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu. Tuy nhiên trước khi tổ chức Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Ban Công tác đại biểu đã biên soạn 2 tài liệu quan trọng là Những điều cần biết đối với đại biểu Quốc hội khóa XV về hoạt động Quốc hội và Sổ tay hướng dẫn kỹ năng cho đại biểu Quốc hội để đáp ứng được các yêu cầu cho đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu và tham gia tích cực hoạt động của Quốc hội ngay từ kỳ họp đầu tiên.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị,nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và lâu dài, có thể kết hợp tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để các đại biểu Quốc hội ở các tỉnh phía Nam cũng có thể tham dự.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe GS,TS. Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày chuyên đề về thẩm tra và kỹ năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; nghe TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội trình bày chuyên đề về kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận và kỹ năng tiếp xúc, trả lời với báo chí tại hội trường; nghe Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trình bày chuyên đề về Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về NSNN./.
Đ. KHOA