Kinh tế Việt Nam năm 2017: Nhiều “phép thử” trong điều hành vĩ mô

Đầu tư - Ngày đăng : 08:35, 19/01/2017

(BKTO)- Tại Tọa đàm:“Công bốbáo cáo kinh tế vĩ mô Quý IV và cả năm 2016” do Viện Nghiên cứu kinh tế vàchính sách (VERP) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chứcngày 16/01, các chuyên gia nhận định: Bên cạnh những yếu tố tạo động lực chotăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2017 vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức và đây đượccoi là “phép thử” đối với Chính phủ trong điều hành vĩ mô.



Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là một ngưỡng cao. Ảnh: TS
Rào cản từ nội tại nền kinh tế

Một trong những thách thức được ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chỉ ra là: Kinh tế Việt Nam năm 2017 vẫn chịu ảnh hưởng bởi nợ xấu và thâm hụt ngân sách lớn. Điều này làm cho không gian chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục bị thu hẹp.

VERP cũng cảnh báo: Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thức dường như rất khó vượt qua, đặc biệt đối với các khoản chi thường xuyên. Khi thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi này thì rất có thể, Chính phủ sẽ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hụt và đầu tư phát triển, dẫn đến nợ công ngày càng tăng cao.

Bên cạnh nỗi lo nợ xấu và thâm hụt ngân sách, theo VERP, mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4% trong năm 2017 là không dễ dàng bởi nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam. Minh chứng là, ngay từ đầu năm nay, một loạt các quy định của Luật Phí và Lệ phí 2015 đã được áp dụng. Yêu cầu tính đúng, tính đủ chi phí của các loại dịch vụ công có thể sẽ tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Do đó, Chính phủ phải khéo léo, thận trọng trong điều hành để không gây ra những tác động lớn, tạo áp lực lên lạm phát - các chuyên gia khuyến nghị.

Trong khi nội tại nền kinh tế vẫn đang bộn bề những rào cản thì số DN thành lập mới đạt kỷ lục năm 2016 (trên 100 nghìn DN) được coi là tín hiệu vui, gieo hy vọng về sự phát triển của cộng đồng DN trong năm 2017. Thế nhưng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn không khỏi quan ngại về chặng đường phía trước của DN Việt khi mà tình hình kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn đầy bất trắc, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, gánh nặng thuế phí vẫn tăng lên, cải cách ở khu vực DNNN và đầu tư nước ngoài chưa được như kỳ vọng, khu vực tư nhân còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn…

Thách thức trong điều hành vĩ mô

Những khó khăn, tồn tại của nền kinh tế đã đặt ra cho Chính phủ nhiều “phép thử” trong điều hành vĩ mô năm 2017. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm 2016, Chính phủ từng tuyên bố không vì những dự án đầu tư lớn mà đánh đổi môi trường bằng mọi giá.

Để thực hiện tuyên bố này, năm 2017, Chính phủ phải kiên quyết loại bỏ những siêu dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, các quy hoạch liên quan đến xây dựng đô thị và hạ tầng giao thông cũng đặt Chính phủ trước những thách thức phải đưa ra quyết định đúng đắn, đảm bảo lợi ích của nhân dân. Cùng với đó, hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi Chính phủ phải thận trọng hơn trong quan hệ với các cường quốc kinh tế…

Bên cạnh đó, năm 2017, thế giới sẽ chứng kiến việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay các cuộc bầu cử tổng thống, thủ tướng tại Pháp và Đức. Cùng với đó, cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu lộ diện với nhiều bất định. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục gây khó khăn, áp lực cho Chính phủ Việt Nam trong điều hành. Nói như TS. Lê Đăng Doanh: “Điều hành kinh tế năm 2017 không phải là một cuộc dạo chơi lãng mạn mà cần thận trọng, theo sát tình hình để có đánh giá nhanh nhạy và chuẩn bị các phương án ứng phó với mọi biến động của thế giới”.

Cùng với đó, VERP nhận định, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD; trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại, gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.

Ngoài ra, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng khi đồng USD tăng giá. Điều đó khiến mặt bằng lãi suất tăng, dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm giá giảm hoặc tăng chậm hơn dự kiến, gây ra những rủi ro cho các dự án bất động sản và hoạt động ngân hàng.

Mặt khác, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 01/2017 sẽ đẩy giá dầu và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại, tạo sức ép lên lạm phát trong nước. Cuối cùng, ảnh hưởng của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm, gây ra một số hệ lụy nhất định. Thách thức này đặt ra yêu cầu cho Chính phủ Việt Nam phải cải cách hơn nữa điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam.

Box: VERP cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đặt ra là một ngưỡng cao. Việt Nam cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 dự báo ở vào khảng 6,4%.
NGỌC MAI