Cần giải pháp căn cơ, đột phá để giữ vững tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế
Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 12/10/2021
(BKTO) - Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020; hai năm (2019-2020) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, tại phiên họp sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHYT đồng thời lưu ý, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ cần có các giải pháp căn cơ, đột phá để đảm bảo tính bền vững của chính sách.
Đánh giá tính bền vững của chính sách
Tại phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội nêu rõ: “Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT” và chỉ tiêu này đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Đặc biệt, năm 2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, đạt 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, thực tế, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở nhóm được NSNN đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc được quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì mới đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng, một số DN phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHYT cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, những năm qua, với sự cố gắng của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương nên công tác phát triển BHYT có bước tiến vững mạnh và chắc chắn. Điều này thể hiện ở tỷ lệ bao phủ BHYT vượt xa mục tiêu Nghị quyết 68 đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá tính bền vững của chính sách, làm rõ tỷ lệ người dân tham gia BHYT hộ gia đình (số người dân tham gia BHYT mới chiếm 32,77% - con số này sắp tới sẽ tụt đi do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19). Cùng với đó, tỷ lệ hộ cận nghèo, nghèo giảm cũng kéo theo tỷ lệ bao phủ BHYT giảm đi. “Những vấn đề này Chính phủ phải có đánh giá cụ thể để đảm bảo tính bền vững của tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân. Cùng với đó, cần nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết số 68 và Luật BHYT nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20" - ông Định phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết số 68 đã đạt phần lớn các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu bao phủ BHYT đã “về đích” từ năm 2016 và đến năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 90,85% dân số - vượt 10,85% chỉ tiêu đề ra. Do đó, mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân hoàn toàn khả thi và có thể đạt được. “Các nhóm khác tham gia BHYT đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhưng đối với hộ gia đình tham gia BHYT mới đạt 76,8%. Vì vậy, Chính phủ phải có giải pháp căn cơ, đột phá để đạt và giữ vững tỷ lệ bao phủ BHYT, nhất là do tác động của dịch Covid-19 nên dự kiến các chỉ tiêu sẽ có thách thức” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Rà soát sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dù năm 2020 Quỹ BHYT có kết dư nhưng chưa đảm bảo bền vững, vì tỷ lệ người tham gia BHYT tăng song mức đóng BHYT không tăng tương ứng với mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật và nhu cầu khám, chữa bệnh dẫn đến nguy cơ mất cân đối Quỹ.
Đồng thời, mức đóng BHYT của nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp (bằng 4,5% mức lương cơ sở) trong khi đó, nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT và mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng; tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT từ phía cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT, chưa được giải quyết triệt để.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng tình với các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, năm 2020 là năm xuất hiện dịch Covid-19 nên có những tác động đến việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, số chi quỹ BHYT giảm 2% so với năm 2019. Cùng với đó, nhiều DN cho người lao động nghỉ việc, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc nhiều, hoặc nghỉ không lương vẫn có ràng buộc về hợp đồng lao động để sau khi dịch bệnh được khống chế thì sẽ tiếp tục kêu gọi người lao động trở lại làm việc.. trong khi pháp luật chưa quy định đầy đủ dẫn đến cơ quan BHXH chưa có cơ sở thu BHYT của những trường hợp này. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP cũng như rà soát các quy định của Luật BHYT để trình Quốc hội sửa đổi. Trước mắt, chưa sửa được Luật BHYT, cần rà soát vướng mắc trong thực hiện BHYT trong bối cảnh dịch bệnh để khắc phục ngay, đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH thực hiện chính sách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 để thấy được toàn diện kết quả, hạn chế, nguyên nhân sau 8 năm thực hiện. Trong đó quan tâm đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa thực hiện được trên cơ sở bối cảnh mới của đất nước; kiến nghị đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết cho giai đoạn tới một cách khoa học toàn diện, bền vững, hiệu quả và khả thi. Đồng thời, sớm trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi), dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ đặt ra để đạt mục tiêu và chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình mới.
ĐĂNG KHOA