Chính thức trình Đề án Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:37, 13/10/2021
(BKTO) - Bộ Công Thương vừa hoàn thiện và chính thức trình Đề án Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ sau khi được Hội đồng thẩm định họp xem xét và bỏ phiếu thông qua.
Quy hoạch Điện VIII hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
Quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đã tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Quy hoạch. Bộ đã tổ chức các cuộc hội thảo giữa kỳ, cuối kỳ và tiến hành tham vấn cộng đồng về nội dung Đề án; đăng tải thông tin lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, gửi lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng 16 Bộ và cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
Kết quả, Bộ Công Thương đã nhận được 681 ý kiến đóng góp, trong đó có 141 ý kiến từ các Bộ, ngành; 89 ý kiến từ các đơn vị của Bộ Công Thương; 254 ý kiến từ các đơn vị hoạt động trong ngành điện; 117 ý kiến từ UBND, Sở Công Thương các tỉnh và 80 ý kiến từ các tổ chức, cá nhân, chuyên gia.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, hoàn thiện Đề án, tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan và đã nhận được thêm 157 ý kiến từ các Bộ, cơ quan; 143 ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty…
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết 55-ND/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, trên cơ sở 3 quan điểm cốt lõi.
Thứ nhất, phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.
Thứ hai, phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021-2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045.
Thứ ba, tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp. Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một các hợp lý. Tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết.
Theo dự báo, trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân. Đáng chú ý là nhu cầu điện đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu.
Việc xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện và các yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực ngày càng khắt khe hơn.
Những biến động này có tác động lớn tới tình hình phát triển điện lực của Việt Nam, vì vậy việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) là nhiệm vụ cấp bách và có tính thời sự cao.
Quy hoạch này không chỉ đảm bảo để ngành điện vượt qua các khó khăn, thách thức, cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn định hướng tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện…
QUỲNH ANH