Cảnh báo nguy cơ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim bằng công nghệ AI
Kinh tế - Ngày đăng : 21:36, 14/10/2021
(BKTO) - Hơn 7.000 ha với hệ sinh thái đa dạng, Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) - một trong 8 khu Ramsar của Việt Nam - đang đối mặt với các vấn đề bảo tồn và quản lý sinh thái nghiêm trọng. Do đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Wollongong (Australia) đã hợp tác thực hiện dự án “Quản lý môi trường hệ sinh thái với công nghệ AI/IoT” như một giải pháp phục vụ hoạt động quản lý môi trường của VQG Tràm Chim.
VQG Tràm Chim đang đối mặt với các vấn đề bảo tồn và quản lý sinh thái nghiêm trọng, nhiều loài chim biến mất. Ảnh: N.LỘC |
VQG Tràm Chim là một khu Ramsar của thế giới. Nơi đây là chốn về của loài chim đặc hữu sếu đầu đỏ cùng nhiều loài chim khác. Đặc tính của chúng là di cư và chỉ trở về VQG vào mùa sinh sản. Tuy vậy, trong những năm gần đây, nhiều loại chim tại VQG đã biến mất, hoặc không trở lại. Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận ra nguyên nhân là do các đầm lầy ô nhiễm, cá, tôm chết nhiều gây ra việc không đủ thức ăn cho chim.
Để khắc phục tình trạng này, từ khoảng năm 2011, VQG đã đặt nhiều trạm quan trắc tự động nhằm thu thập thông tin về điều kiện sống của sinh vật để xử lý kịp thời. Tuy vậy, chỉ sau khoảng ba năm, các trạm quan trắc đã bị hư hỏng. Từ đó, những nhân viên trong VQG tiến hành việc đo chất lượng môi trường sống của sinh vật thủ công định kì. Việc đo thủ công trong một không gian rộng như VQG đã gây ra nhiều khó khăn.
Hệ sinh thái VQG Tràm Chim đang biến đổi vì ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn. Ảnh: N.LỘC |
Chính vì vậy, VQG Tràm Chim đã liên hệ Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - vốn là đơn vị hợp tác toàn diện của UBND tỉnh Đồng Tháp - để tìm kiếm sự giúp đỡ và nhận được đồng thuận.
Hiện tại, theo kế hoạch và thoả thuận với Chính phủ Australia, Dự án sẽ kéo dài trong một năm. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan tại Đồng Tháp để triển khai khảo sát thực địa, xây dựng thiết bị quan trắc và lắp đặt thiết bị. Giai đoạn sau của Dự án là phát triển một bảng điều khiển tự động phân tích, đánh giá dữ liệu thu được cũng như cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, nhà khoa học và người sử dụng" - đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đồng thờicho biết thêm, Dự án sẽ triển khai khoảng 40 thiết bị quan trắc và 20 camera AI để quản lý các khu vực trọng điểm của VQG Tràm Chim, thay vì cách làm thủ công không mang lại hiệu quả cao.
Một góc VQG Tràm Chim. Ảnh: N.LỘC |
Được biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Dự án vẫn chưa thể chính thức triển khai. Các thành viên của Dự án vẫn đang tiến hành khảo sát từ xa và dự kiến triển khai vào cuối tháng 10/2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn giữa các địa phương TP. Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.
N.LỘC