Việt Nam đưa ra 4 đề xuất lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của phụ nữ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:37, 14/10/2021
(BKTO) - Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matviyenko, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến từ ngày 13-15/10. Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã nêu 4 đề xuất lớn của Đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của phụ nữ.
Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ 3 có chủ đề “Phụ nữ: Sứ mệnh toàn cầu trong thực tiễn mới”, thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu từ hơn 100 quốc gia và 20 tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao Diễn đàn phụ nữ Á - Âu đã giúp gắn kết, chia sẻ và nâng cao vai trò của phụ nữ; đồng thời hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn lần này đãtạo điều kiện để thảo luận về những cơ hội, thách thức mà tiến trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp4.0 và đại dịch Covid-19 đang trực tiếp tác động đến thế giới nói chung và phụ nữ nói riêng.
Phó Chủ tịch nước Võ ThịÁnh Xuân phát biểu trực tuyến tạiDiễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ 3.Ảnh: BNG |
Phó Chủ tịch nước cũng chia sẻ về kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, hiện nay, phụ nữ Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong tiến trình phát triển của đất nước, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm hơn 30%; tỷ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 50%; tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã lên đến 26,5%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất...
Trước những cơ hội và thách thức hiện nay, từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam thời gian qua, Phó Chủ tịch nước nêu 4 đề xuất lớn của Đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của phụ nữ.
Trước hết, Việt Nam kêu gọi các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ như giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, xung đột, bạo lực, phát huy vai trò của phụ nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0…
Hai là, nâng cao vai trò của phụ nữ trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: thực hiện bình đẳng giới trong các chính sách; tăng cường sự tham gia và phát huy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống; thúc đẩy gắn kết các nỗ lực, cơ chế ở từng quốc gia, khu vực với nỗ lực quốc tế.
Tiếp đó là tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giữa cơ quan lập pháp và hành pháp của mỗi quốc gia, nhằm thúc đẩy việc hoạch định và thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ.
Cuối cùng, trước những cơ hội và thách thức của giai đoạn mới, bản thân mỗi người phụ nữ cần chủ động học hỏi để nâng cao tri thức, công nghệ mới, trau dồi kỹ năng cần thiết, tiếp tục phấn đấu vươn lên khẳng định mình và tích cực đóng góp cho xã hội./.
DIỆU THIỆN