Văn bản trái pháp luật: Sai sót nhiều, xử lý nhỏ giọt

Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 09/11/2017

(BKTO) - Từ năm 2005 đến nay, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã thực hiện kiểm tra hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau. Thực tế cho thấy, tình trạng văn bản được ban hành trái quy định của pháp luật vẫn còn nhiều, gây bức xúc trong xã hội, song việc xử lý còn hạn chế. Đó là chia sẻ của đại diện Bộ Tư pháp tại cuộc họp báo diễn ra mới đây.




"Rừng" văn bản đã ban hành có sai phạm

Trong số liệu thống kê trên, chỉ tính riêng năm 2016, qua kiểm tra theo thẩm quyền, các Bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 776 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; ngoài ra có 4.402 VBQPPL sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản... Trong quý III/2017, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 855 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 54 văn bản sai về nội dung, trong đó có 7 văn bản của Bộ, ngành, 47 văn bản của địa phương.

Theo ông Phạm Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL - điều đáng nói là sai sót của các VBQPPL đã tồn tại hàng chục năm qua và chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Qua kiểm toán, KTNN phát hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn sai sót. Ảnh: T.TÙNG

Cũng theo ông Dũng, từ đầu năm đến nay, qua theo dõi, đơn vị đã đề xuất, xử lý nhiều văn bản ban hành không đúng quy định. Điển hình như tháng 11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Trong đó có quy định áp dụng đối với từng chữ ký số được ký trong một tháng, khiến nhiều DN cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số băn khoăn về tính khả thi và lo ngại sẽ phát sinh chi phí lớn. Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý bãi bỏ ngay những nội dung trái pháp luật tại Thông tư này.

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến nhắc nhở Bộ Y tế, khi Bộ này ban hành văn bản không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có kết luận không quy định yêu cầu DN phải sử dụng muối iod trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các DN sản xuất muối phải bổ sung iod. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) lại thừa lệnh Bộ trưởng ký, ban hành một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.

Kết quả xử lý thấp vì ngại…va chạm

Nhiều lý do khác nhau khiến hàng nghìn VBQPPL mỗi năm dù sai vẫn tồn tại và tham gia điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Ngoài sự bất cập của cơ chế xây dựng, ban hành, ý thức trách nhiệm, trình độ soạn thảo văn bản của cán bộ xây dựng chính sách, của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản được xác định là nguyên nhân chủ yếu.

Trước đó, Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp trong năm 2017 tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thừa nhận, tình trạng văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, sai sót về căn cứ pháp lý… vẫn còn nhiều, song việc xử lý đối với các văn bản này còn rất ít.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, do thẩm quyền của Bộ chỉ dừng lại ở việc “kiến nghị”, “đề nghị” xử lý văn bản trái pháp luật, dẫn đến việc xử lý văn bản trái pháp luật chưa có hiệu quả cao.

Trong khi đó, Trưởng ban Nghiên cứu xây dựng và phổ biến pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) Nguyễn Văn Huệ thẳng thắn cho rằng, tình trạng văn bản vi phạm kéo dài nhiều năm qua một phần là do Bộ Tư pháp cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này còn né tránh, ngại va chạm. Thêm vào đó, việc xử lý cán bộ tham mưu chính sách sai cũng chưa đến nơi đến chốn. “Hình thức xử lý chủ yếu vẫn dừng ở mức phê bình, nhắc nhở rút kinh nghiệm chứ chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, đủ sức răn đe” - ông Huệ nói.

Không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước, nhân dân, những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đang góp phần làm giảm sút lòng tin của người dân vào cơ quan quản lý nhà nước, giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc “sửa sai” như các Bộ, ngành và địa phương đang làm, vấn đề cần đặt ra là phải xử lý một cách nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật đối với hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến tham mưu sai, ban hành văn bản sai.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 02-11-2017