Phát huy sức mạnh toàn dân để “về đích” nông thôn mới

Xã hội - Ngày đăng : 15:45, 09/11/2017

(BKTO) - Nói xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) “về đích” nông thôn mới nhờ những điều kiện thuận lợi vốn có về mặt địa lý tự nhiên là chỉ đúng một phần. Bởi nếu không có sự đồng lòng của nhân dân toàn xã thì không thể có thành quả tự hào như ngày hôm nay!




Khởi sắc từ nông thôn mới

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng được trải nhựa sạch đẹp, Bí thư Chi bộ thôn Độc Lập Bùi Quyết Chiến cho biết: Toàn thôn Độc Lập (xã Đạo Đức) hiện có 83 hộ với 293 nhân khẩu. Khi chính quyền thôn bắt tay vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, bà con rất hưởng ứng, nhất là việc làm đường giao thông. Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất mở đường với diện tích lớn như gia đình ông Bùi Xuân Quyết, Vũ Văn Thuật, Nguyễn Quốc Long, bà Đoàn Thị Hoài…

Để chứng minh Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại sức sống mới và diện mạo mới cho thôn Độc Lập, ông Bùi Quyết Chiến dẫn chúng tôi vào thăm một số gia đình có mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là gia đình ông Lê Chí Hải đầu tư hơn 5 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở sản xuất rượu ngô và chăn nuôi lợn. Tận dụng các sản phẩm từ nấu rượu, ông tập trung phát triển trang trại nuôi lợn quy mô trên 100 con, giải quyết việc làm cho 7 lao động. Hay, gia đình ông Nguyễn Văn Việt đã mạnh dạn đầu tư trên 4.000 m2 đất trồng hoa, trong đó có trên 1.000 m2 nhà lưới, mang lại thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm…

Tính đến nay, tổng kinh phí đã đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Đạo Đức là 13,8 tỷ đồng: Trong đó, NSNN đầu tư 9,3 tỷ đồng, chiếm 67,3%; nhân dân đóng góp trên 3,8 tỷ đồng, chiếm 28%; nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân khác trên 650 triệu đồng, chiếm 4,7%. Từ nguồn kinh phí này, 13/13 km đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa; cơ bản hoàn thiện 13 tuyến đường trục thôn, bản và đường liên thôn; 206/246 ha đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động; 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia; 14/14 thôn bản có nhà văn hóa…

Vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Việt. Ảnh: THANH TÙNG

Nhờ Chương trình nông thôn mới, cuộc sống của bà con trong xã ngày càng khởi sắc. Nhiều mô hình sản xuất cho lợi nhuận cao đã xuất hiện, điển hình như mô hình trồng ngô nếp đạt trên 50 triệu đồng/ha, trồng rau vụ đông cho thu hoạch trên 150 triệu đồng/ha, trồng rau an toàn trong nhà lưới đạt 52 triệu đồng/1.000 m2. Thu nhập bình quân từ 15 triệu đồng/người năm 2011 được nâng lên 25,5 triệu đồng/người năm 2016…

Xây dựng xã kiểu mẫu về phát triển kinh tế nông thôn

Đạo Đức là một xã vùng thấp của huyện Vị Xuyên, nằm giữa TP. Hà Giang và thị trấn Vị Xuyên. Xã có tổng diện tích tự nhiên 4.362 ha với 1.361 hộ, 5.621 nhân khẩu; 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó nhiều nhất là dân tộc Tày chiếm 40,2%, còn lại là dân tộc Kinh, Dao và các dân tộc khác.

Do những thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện phát triển kinh tế, năm 2016, Đạo Đức được huyện lựa chọn là xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong xã, tháng 8/2017, xã Đạo Đức đã chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những thành quả mà Chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại đã thực sự làm thay đổi suy nghĩ và hành động của người dân xã Đạo Đức.

Phát biểu trong buổi lễ công nhận xã nông thôn mới, bà Đặng Thị Hiền - thôn Tân Đức - xúc động: “5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã minh chứng sức mạnh đại đoàn kết, chung sức, chung lòng của nhân dân Đạo Đức. Từ lúc chúng tôi không hiểu nông thôn mới, đến nay chúng tôi mới thấy người dân mình được làm chủ thực sự và được hưởng lợi trực tiếp. Chúng tôi thấy trách nhiệm nặng nề hơn là làm sao để xã nhà thật xứng đáng với danh hiệu này, để cuộc sống đã tốt còn phải tốt hơn nữa”.

Khi được hỏi về các công việc tiếp theo sau khi xã đã “về đích” nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức Lục Chí Việt tươi cười: “Về đích” không có nghĩa là hết việc để làm! Xã sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi... quyết tâm xây dựng xã Đạo Đức trở thành xã kiểu mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

THANH TÙNG
Theo Báo Kiểm toán sô 44 ra ngày 02-11-2017