Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế nghiêm trọng
Chính trị - Ngày đăng : 21:05, 17/10/2021
(BKTO) - Ngành Tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vào chiều 15/10.
Chủ tịchnước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: dangcongsan.vn |
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các cấp toà án trong những năm qua.
Chủ tịch nước khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác của các tòa án đã góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, đưa nền tư pháp nước ta có những bước phát triển quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.
Chủ tịch nước cho rằng, đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền; đồng thời là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch nước cho biết, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của TANDTC rất quan trọng và nặng nề, do đó đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TANDTC.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành Tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; tăng cường hoà giải, đối thoại trong các vụ việc dân sự, hành chính để hóa giải các mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong xã hội…
Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành Toà án chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào”. Đặc biệt, cần chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành Tòa án.
Nhấn mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đang đặt ra cho nền tư pháp nước ta những vấn đề mới, yêu cầu mới phải giải quyết, Chủ tịch nước yêu cầu TANDTC cũng như các cơ quan tư pháp phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới, để xây dựng nền tư pháp nước ta tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới…/.
DIỆU THIỆN