Bám sát định hướng nhiệm vụ của Quốc hội, thể hiện rõ nội dung xây dựng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán tối cao trong Chuyên đề

Chính trị - Ngày đăng : 21:05, 18/10/2021

(BKTO) - Chiều 18/10, tại trụ sở KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì buổi làm việc với KTNN để cho ý kiến đối với Dự thảo Chuyên đề “Hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” (Chuyên đề số 13).


                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: N.LỘC

   

Chuyên đề được xây dựng theo Kế hoạch số 02-KH/BCĐ, ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng), trong đó KTNN là cơ quan được giao chủ trì thực hiện.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Quốc hội có ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Về phía KTNN, tham dự buổi làm việc có Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề số 13; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Chuyên đề số 13.

Huy động tổng lực, tích cực triển khai xây dựng Chuyên đề

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề số 13, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã trình bày tóm tắt dự thảo Chuyên đề do KTNN xây dựng.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Theo đó, việc xây dựng Chuyên đề nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức, hoạt động của KTNN; đề xuất quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đồng thời, tập trung nghiên cứu về vị trí, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: N.LỘC

   

Điểm lại những kết quả đạt được của KTNN thời gian qua, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo KTNN, hoạt động kiểm toán của KTNN những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

KTNN cũng góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng. Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm; lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí với phương châm phòng là chính.

Tất cả các nội dung này đã được thể hiện rõ trong Chuyên đề, cùng với đó là định hướng công tác, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho KTNN trong từng thời kỳ để KTNN hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
   Nguyễn Phú Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.LỘC

   

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến về Dự thảo Chuyên đề số 13 của KTNN. Cơ bản đồng tình với nội dung Dự thảo Chuyên đề, các đại biểu cũng trao đổi, làm rõ về một số nội dung cụ thể như: Vai trò KTNN trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng; việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy, đặc biệt là vấn đề nhân sự... Trên cơ sở các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề số 13 của KTNN đã giải trình, thông tin làm rõ các vấn đề được quan tâm.

Bám sát để phục vụ tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao quá trình triển khai xây dựng Chuyên đề số 13 của KTNN. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo Chiến lược được chuẩn bị công phu, nhiều nội dung mới đáng chú ý.

Cơ bản đồng tình với các nội dung trong Dự thảo Chiến lược, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng Chuyên đề số 13 đối với KTNN là rất cần thiết. Cùng với các chương trình, dự án khác của KTNN, Chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng về KTNN được đặt trong tổng thể bộ máy Nhà nước, đang được các cơ quan xây dựng sẽ góp phần định hình tương lai của KTNN, phù hợp với định hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, KTNN rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từng nội dung được nêu trong Chuyên đề, trước khi gửi các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến và trình Chủ tịch Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong công cụ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần làm lành mạnh nền tài chính công, sử dụng tài chính công, tài sản công ngày càng hiệu quả. Do đó, chất lượng hoạt động kiểm toán phải ngày càng được nâng lên và tiếp tục khẳng định là cơ sở quan trọng phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc hội… Tất cả các yêu cầu này cần được thể hiện rõ và nhấn mạnh hơn trong Chuyên đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của KTNN, trong đó có việc cho phép KTNN chủ động các các nguồn lực để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao.

“Việc tổ chức bộ máy của KTNN cần được đảm bảo, hướng đến phục vụ và khai thác tối đa hiệu quả của KTNN trong việc thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Mục tiêu là nơi đâu sử dụng tiền, tài sản nhà nước, nơi đó phải được kiểm toán” - Phó Chủ tịch Quốc hội gởi mở.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: N.LỘC

   

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian qua và việc xây dựng Chuyên đề số 13 của KTNN nói riêng. Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu đến từ các Ủy ban, Ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo, định hướng của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trong quá trình triển khai xây dựng Chuyên đề, từ đó nỗ lực hoàn thành xây dựng Chuyên đề đảm bảo tiến độ đề ra với chất lượng cao nhất.
NGUYỄN LỘC