Chủ tịch Quốc hội: Điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Đối nội - Ngày đăng : 21:35, 21/10/2021

(BKTO) - Nhân dân đang mong đợi những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này. Trong đó, có hai quyết sách quan trọng nhất là tới đây phòng, chống dịch Covid-19 thế nào và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ra sao. Nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận tổ sáng nay (21/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, DN trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho hai vấn đề này. Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết nêu rõ hai vấn đề này.


                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

   

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vắc xin 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Tốc độ tiêm vắc xin hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vắc xin là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vắc xin nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.

Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể... Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô.

“Ngay sau Hội nghị Trung ương, Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ, các chuyên gia ở cả diện rộng và diện hẹp để thảo luận, xem xét các vấn đề liên quan; các cơ quan của Quốc hội cũng đang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị để khi Chính phủ trình thì có thể thống nhất được ngay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ Ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn của đại dịch Covid - 19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội.
Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023. Cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại, an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistics, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...
                
   

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ. Ảnh: TTXVN

   

Đồng thời, đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế; bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tổng các gói chính sách hỗ trợ hiện nay cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng và đang phát huy hiệu quả.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ về vắc xin. Các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang tăng trưởng hai tốc độ. Một số nước tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu nhưng một số nước rất chậm do bao phủ vắc xin còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu sang năm các nước lớn lại thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ lỡ nhịp phục hồi kinh tế của thế giới…

Lưu ý việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các biện pháp điều hành đều phải trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học; phải nghiên cứu rất căn cơ, khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán. Cần xác định rõ đây là “cuộc kháng chiến trường kỳ” nên phải có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn.

Đ. KHOA