Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Đối nội - Ngày đăng : 19:35, 22/10/2021
(BKTO) - Những năm qua việc thực hiện chính sách, pháp luật cũng như quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, quá trình triển khai chính sách đã cho thấy không ít bất cập, hạn chế cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của các chính sách an sinh xã hội quan trọng này.
Qua theo dõi và trực tiếp tham gia thẩm tra báo cáo hằng năm của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta cần tập trung đánh giá tình hình thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp… Trong đó, tiêu chí đầu tiên cần quan tâm là có bảo đảm sự hài lòng cũng như quyền lợi của người dân hay không. Nếu muốn người dân hài lòng thì đầu tiên nguồn thu phải dồi dào. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay nguồn thu của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với thế giới, nhưng lại đặt ra việc chi chế độ nhiều hơn, tỷ lệ chi cao hơn và bao phủ nhiều đối tượng hưởng hơn. Bên cạnh đó, nguồn quỹ cũng ảnh hưởng bởi các DN chây ỳ, trốn đóng BHXH.
Chính vì vậy, bên cạnh việc thanh kiểm tra, khởi tố theo quy định, chúng ta cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền, công khai những DN không đóng nộp BHXH đúng quy định. Công tác tuyên truyền phải định hướng lợi ích của BHXH rằng một xã hội văn minh phải có BHXH để bảo vệ.
Cùng với đó, bà Phong Lan cho rằng, hiện số người tham gia BHXH đang tăng nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao, càng không thể cao bằng người lao động đóng BHXH bắt buộc theo mức lương. Đa số người dân tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ (hộ nghèo, cận nghèo tham gia nhiều). Như vậy nếu càng vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện thì nguy cơ bội chi Quỹ BHXH trong tương lai càng lớn, nhất là Luật BHXH không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề này, để có giải pháp khắc phục trong Luật BHXH.
Chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Ảnh minh họa: BHXH Quảng Nam |
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho rằng, để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, ngoài điều chỉnh thời gian đóng BHXH ngắn hơn để được hưởng chế độ hưu trí, cũng cần có sự chung tay hỗ trợ từ Nhà nước. Đại biểu đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam đánh giá lại chính sách này cũng như nâng mức hỗ trợ từ NSNN cao hơn, nhằm thu hút người dân tham gia vào hệ thống BHXH. Đồng thời, phải nâng cao hơn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện, để tiền lương hưu của người nghỉ sau này được đảm bảo về mặt an sinh xã hội.
Chỉ ra thực tế, thời gian qua còn nhiều DN vi phạm, chủ yếu là trốn đóng, nợ BHXH, BHYT kéo dài, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế tài xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động, BHXH còn rất thấp, thiếu tính răn đe; với mức tối đa xử lý hành vi vi phạm là 75 triệu đồng, nên nhiều DN sẵn sàng chịu phạt để chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động. Chế tài hình sự đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính, chung chung dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn đã chuyển nhiều hồ sơ vụ việc DN nợ BHXH cho cơ quan điều tra, nhưng trên thực tế cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố được vụ nào theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng tạo cơ sở cho công đoàn cấp trên đại diện người lao động khởi kiện DN đòi tiền nợ BHXH. Cùng với đó, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thủ tục để cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Đặt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chỉ ra thực trạng, nhiều DN phải cho người lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc thỏa thuận người lao động tạm hoãn hoặc ngừng việc, nghỉ không lương có ràng buộc về hợp đồng để sau khi dịch bệnh được khống chế sẽ tiếp tục kêu gọi NLĐ đi làm trở lại. Trong khi đó, pháp luật BHYT cũng như Nghị định số 146/2018/NĐ-CP chưa quy định rõ trường hợp này, dẫn đến cơ quan BHXH không có cơ sở để thu BHYT. Mặt khác, mệnh giá thẻ BHYT không thay đổi nhưng phạm vi, quyền lợi hưởng BHYT lại rộng, đã tác động đến cân đối Quỹ BHYT. Hiện nay, người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán hơn 18.000 dịch vụ y tế, trong khi chỉ có 140 dịch vụ y tế có quy định điều kiện tỷ lệ thanh toán; hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm nhưng chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm có quy định điều kiện tỷ lệ chi trả. Để khắc phục những bất cập này, ông Tùng cho rằng, việc rà soát, sửa đổi Luật BHYT cần phải được ưu tiên đề xuất Quốc hội bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, hôm nay (22/10) Chính phủ báo cáo Quốc hội về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 02 năm 2019-2020. Nội dung này lần đầu tiên sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến tại phiên làm việc chiều 27/10; nhằm chỉ rõ được những bất cập của chính sách, pháp luật và khâu tổ chức thực thi; từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Đ. KHOA