Cà Mau: Hữu ích kho học liệu điện tử

Xã hội - Ngày đăng : 22:36, 27/10/2021

(BKTO) - Với hơn 550 giáo án điện tử/video clip, kho học liệu điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Cà Mau xây dựng nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh có nguồn tư liệu tham khảo được thẩm định trong dạy và học trực tuyến để phòng, chống Covid-19, đáp ứng mục tiêu “dừng đến trường, không dừng việc học”.


                
   

   

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục

Tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn trực tuyến chuẩn bị xây dựng kho học liệu từ năm học 2021-2022 do Sở GD&ÐT Cà Mau tổ chức, TS. Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau - cho biết: Ðể triển khai thực hiện dạy và học trực tuyến, Sở GD&ÐT đã thành lập 3 hội đồng chuyên môn các cấp học để xây dựng chương trình, biên soạn giáo án điện tử/video clip đưa vào kho học liệu dùng chung cho giáo viên toàn tỉnh khai thác, sử dụng.

Theo đó, kho học liệu có nội dung lý thuyết, hình ảnh và hệ thống bài tập phong phú, bám sát nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Ðặc biệt, nhiều bài giảng được đầu tư, sử dụng nhiều phần mềm để tạo giáo án; bài giảng điện tử tương tác; các bài trình chiếu, đoạn video… do giáo viên có tâm huyết đầu tư xây dựng. Nhờ đó, giáo viên tiết kiệm được thời gian trong quá trình tìm ra những bài giảng có chất lượng để tham khảo.

“Kho học liệu có thể xem là “diễn đàn” chia sẻ kinh nghiệm của giáo viên; tạo không gian kết nối giáo viên, giúp thầy cô có thể làm chủ công nghệ, chủ động sáng tạo. Bên cạnh đó, tất cả học sinh ở mọi cấp học, kể cả phụ huynh, học sinh đều có thể sử dụng dễ dàng kho học liệu này” - TS. Lê Hoàng Dự chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, thầy Châu Văn Tuy - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, TP. Cà Mau - cho rằng: Xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp, kịp thời, đáp ứng việc dạy và học trong tình hình mới. Từ nguồn kho học liệu, cán bộ quản lý cũng như giáo viên sẽ có nhiều nguồn tham khảo để soạn giáo án dạy trực tuyến, tham khảo những bài giảng hay, tìm kiếm những tư liệu phù hợp năng lực học sinh. Ðồng thời, sẽ tiếp cận được cách soạn bài, cách truyền thụ kiến thức để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nâng cao nghề.

Ðối với học sinh, đây là nguồn để học sinh bổ sung thêm kiến thức chưa tiếp thu được. Các em có thể tự học ở nhà thông qua việc tương tác với nội dung, tương tác với thầy cô, bạn bè. Ngoài các nội dung sẵn có, thầy cô có thể tự tạo học liệu của mình hay học liệu cho các môn học, sau đó giao bài cho học sinh. Học liệu có thể là bài tập trắc nghiệm và tự luận, đề kiểm tra, video, pdf. Phụ huynh dễ dàng kiểm tra việc học tập của con và giữ liên lạc với giáo viên, nhà trường qua kho học liệu này”.

Thầy Châu Văn Tuy nhấn mạnh, chính từ những ưu điểm nổi bật này, Trường THPT Hồ Thị Kỷ đã xây dựng kho học liệu riêng cho Trường. Theo đó, giáo viên soạn đưa lên kho học liệu, sau đó tổ trưởng chuyên môn thẩm định, sẽ đưa lên web nhà trường và tự tạo thành kho riêng.

“Mỗi năm làm một ít, năm sau sẽ bổ sung, sàng lọc lại, trong vài ba năm, Trường sẽ có kho học liệu phong phú để cung cấp cho học sinh, giáo viên. Ðặc biệt, mỗi bài học đều có hệ thống các câu hỏi ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”- thầy Châu Văn Tuy chia sẻ.

Trên phương diện giáo viên trực tiếp giảng dạy, thầy Hồ Minh Tình - Tổ trưởng Tổ Sinh học Trường THPT Ðầm Dơi - chia sẻ: Chuyển biến rõ nét trong việc giảng dạy của giáo viên là minh chứng hiệu quả của kho học liệu, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu tất yếu trong tương lai. Từ nguồn học liệu, giáo viên có điều kiện áp dụng dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học - đây là hướng dạy học chủ đạo trong định hướng giáo dục hiện nay.

Nhà trường phối hợp cùng giáo viên để nâng cao chất lượng học liệu

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng theo thầy Hồ Minh Tình, vẫn tồn tại một tỷ lệ không ít tư liệu được biên soạn mang đậm hình thức dạy truyền thống, chưa phù hợp theo hình thức dạy học trực tuyến. Các đoạn video bài giảng tham khảo của giáo viên còn khá dài, khó sử dụng để học sinh tự học.

Ngoài ra, có những nội dung thuộc về tư duy khoa học quá khó, không phù hợp cho dạy học qua Internet vẫn được giáo viên đề cập trong video bài giảng, có thể gây áp lực cho học sinh.

Theo thầy Phạm Việt Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi, hiện vẫn còn một bộ phận giáo viên chậm tiếp cận nguồn trên kho học liệu. Một số bài giảng chỉ đơn thuần là quay màn hình hoặc chuyển từ file Powerpoint thành file video nên chất lượng chưa đảm bảo. Nguyên nhân hạn chế này là do giáo viên chưa biết cách thực hiện một bài quay đúng chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất thiếu và yếu như máy quay, phòng thu âm, thiết bị hỗ trợ…

Ðể khắc phục điều này và tiến tới sẽ xây dựng kho học liệu điện tử riêng, Trường THPT Ðầm Dơi tận dụng tối đa trang thiết bị sẵn để xây dựng phòng thu hỗ trợ giáo viên về kỹ thuật để mỗi bài giảng gửi lên kho học liệu chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức.

Hưởng ứng cách làm trên, thầy Châu Văn Tuy cũng cho rằng, việc tạo video không có phòng cách âm sẽ không đảm bảo chất lượng, nhiều bài giảng có tạp âm, đôi lúc nghe không rõ. Bên cạnh đó, do nền tảng công nghệ còn hạn chế, nhiều học sinh phản ánh là việc tải bài học về tốn thời gian. Ðối với học sinh THPT, công nghệ thông tin tương đối thành thạo, nhưng đối với tiểu học thì cần sự trợ giúp từ phụ huynh, song, năng lực cũng hạn chế nên vẫn còn nhiều em khó tiếp cận nguồn trên kho học liệu.

Vì vậy, Trường THPT Hồ Thị Kỷ cũng đưa ra giải pháp là xây dựng phòng thu âm riêng để hỗ trợ giáo viên thu âm tiết học. Việc xây dựng kho học liệu của Trường sẽ làm cơ sở cho giáo viên vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho từng đối tượng lớp mình dạy, góp phần nâng chất lượng kho học liệu của Ngành.

“Ðể có một bài giảng chất lượng, thu hút học sinh, giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhà trường đã thành lập riêng tổ quản lý dữ liệu hỗ trợ giáo viên, trực tiếp giải đáp, hỗ trợ thầy cô trong quá trình giảng dạy do chính Hiệu trưởng chủ trì”- thầy Châu Văn Tuy nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, các thầy cô tham gia ý kiến đều cho rằng, Sở GD&ÐT cần tiếp tục mở rộng ngân hàng học liệu để bao phủ tất cả các môn học ở các bậc học cũng như đa dạng hoá hình thức bài giảng, khắc phục những hạn chế. Thời gian tới, kho học liệu điện tử sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện với sự đóng góp không ngừng của các thầy, cô giáo, sẽ là một trong những giải pháp đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số trong ngành GD&ÐT, từng bước hình thành nguồn tài nguyên giáo dục mở, phục vụ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, kể cả phụ huynh có thể học, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi./.
THÙY LÊ (Theo baocamau.com.vn)