Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi): Băn khoăn về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
Đối nội - Ngày đăng : 10:35, 29/10/2021
(BKTO)- Góp ý vào Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 28/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn và còn có ý kiến khác nhau về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả; làm rõ cơ chế hoạt động của Quỹ.
Khó khả thi trong thực tế
Phát biểu thảo luận, các đại biểu chỉ rõ, Luật Điện ảnh 2006 đã có quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ được thành lập để sử dụng cho các hoạt động: thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất; hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm: nguồn hỗ trợ từ NSNN, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh...
Tuy nhiên, theo các đại biểu, thực tế cho đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được triển khai; cơ chế hiện hành chưa quy định về mô hình, cũng như nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả.
Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa), đề nghị cân nhắc bỏ quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật. Theo đại biểu, Luật hiện hành đã quy định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng hơn 10 năm qua không triển khai thực hiện được. Nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của NSNN. Nếu thành lập Quỹ thì Chính phủ vẫn phải cung cấp vốn điều lệ trong khi chưa có khả năng huy động Quỹ.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cũng đề nghị không đưa vào Dự án Luật nội dung này. Bởi trong thực tiễn, có rất nhiều luật quy định thành lập các quỹ phát triển nhưng do điều kiện về ngân sách không đảm bảo nên không thành lập được. Như vậy, nội dung này khó khả thi trong thực tiễn mặc dù mục đích, ý nghĩa rất tốt.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phân tích, việc quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật là không phù hợp và không đúng với quy định của Luật NSNN và nội dung Nghị quyết số 792 ngày 2/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, như đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nguồn thu của Quỹ sẽ được trích tỷ lệ trên doanh thu chiếu phim, doanh thu của các DN phổ biến phim qua Internet để tạo nguồn thu cho Quỹ.
“Với lập luận như vậy, tôi thấy những nghĩa vụ tài chính này không khác gì các khoản thuế mới đặt ra đối với ngành công nghiệp điện ảnh. Việc lấy doanh thu từ các phòng chiếu phim sẽ khiến các phòng chiếu buộc phải đẩy chi phí này vào giá bán vé cho người xem, làm tăng giá vé. Trong bối cảnh hoạt động điện ảnh được khuyến khích thì chính sách này lại làm tăng giá thành, tăng chi phí, tăng giá cả cho loại hình dịch vụ, đi ngược lại với chính sách chung” - đại biểu Tuấn nêu quan điểm và đề nghị không nên quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật.
Xác định rõ cơ chế hoạt động
Bày tỏ quan điểm “không hoàn toàn đồng ý” với việc thành lập Quỹ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) nhấn mạnh, nếu trường hợp Quốc hội đồng ý có quỹ này với nội dung quy định như trong Dự thảo sẽ không thành lập được Quỹ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm tới 2 vấn đề. Một là, phải xác định rõ mục đích nguồn thu, cơ chế hoạt động của Quỹ và quản lý Quỹ như thế nào. Hai là, lựa chọn tập trung hỗ trợ cho dự án sản xuất các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, phim tham gia liên hoan phim quốc tế. Đồng thời, nội dung chi của Quỹ căn cứ vào đâu cũng cần thể hiện rõ trong Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Cho rằng việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết, tuy nhiên, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) cũng đề nghị, cần xây dựng cơ chế quản lý Quỹ thật rõ ràng để tạo sự đồng thuận của các đại biểu. Nguồn thu của Quỹ cần phải được Nhà nước cấp kinh phí, do cơ quan quản lý chuyên ngành điều hành với mục đích phát triển nghệ thuật nước nhà, ủng hộ của các nhà làm phim trẻ.
Đ. KHOA