Đảm bảo nguyên tắc “ thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó”

Đối nội - Ngày đăng : 12:05, 29/10/2021

(BKTO) - Thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) các đại biểu Quốc hội đánh giá cao điểm mới việc Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó” nhằm đề cao tính kịp thời trong khen thưởng theo thành tích đạt được.


Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
                
   

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế".

Các đại biểu cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo, trong một số hình thức khen thưởng đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa (TP. Cần Thơ), việc mở rộng đối tượng khen thưởng sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước.
                
   

Đại biểu Đào Chí Nghĩa phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Liên quan đến nội dung về nguyên tắc khen thưởng trong Dự thảo Luật, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đánh giá, so với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích, “nuôi” khen thưởng như trước đây.

Thay mặt cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng, nguyên tắc đầu tiên được Ban soạn thảo quán triệt rõ và thể hiện đồng bộ là phải đảm bảo được tính bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, bình đẳng, khoa học, thực tiễn và tạo động lực mới cho thi đua, khen thưởng. Theo đó, diện bao phủ của Luật Thi đua, khen thưởng rất rộng, gồm cả hệ thống chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội; tập thể, cá nhân, gia đình người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nguyên tắc thứ hai trong sửa đổi, bổ sung Luật là phải đảm bảo được tính kế thừa và đổi mới; kế thừa những điều khoản, nội dung, vấn đề, được thực tế chứng minh là hợp lý, có sức lan tỏa, có tính ổn định, kể cả tên danh hiệu. Ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu các vấn đề xuất phát từ thực tiễn; quan tâm hơn đến khu vực ngoài nhà nước; khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, nhất là các đối tượng công nhân, nông dân, DN, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học… Đặc biệt, Dự thảo Luật cũng hướng về cơ sở, khen thưởng cho các tập thể cơ sở, chú trọng hơn với các trường hợp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, nguyên tắc thứ ba trong việc sửa đổi, bổ sung Luật là phải đảm bảo mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Đặc biệt, trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo hết sức chú trọng đảm bảo “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, gây ra sự không công bằng, hình thức trong việc khen thưởng.
                
   

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Dự thảo Luật cũng điều chỉnh, bổ sung loại hình khen thưởng, bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng, công trạng và thành tích. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành có 5 loại hình khen thưởng, nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng. Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đưa ra 6 loại hình khen thưởng, gồm: khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo phong trào thi đua, khen thưởng thành tích cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại. Các loại hình khen thưởng trên được cụ thể hóa vào các hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng.

Với cách thiết kế như vậy, tỷ trọng khen thưởng theo phương châm, nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó” chiếm tới 3/4 trong các hình thức khen thưởng. Nhấn mạnh đây là điểm mới trong Dự thảo Luật, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian tới Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung nhằm đảm bảo, quán triệt nguyên tắc này một cách rõ hơn.

Đ. KHOA