Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia hoạt động giám sát

Đối nội - Ngày đăng : 15:05, 29/10/2021

(BKTO) – Lần đầu tiên lãnh đạo KTNN và Thanh tra Chính phủ tham gia giám sát; giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh thực hiện giám sát và có báo cáo… là những điểm mới nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.


Chiều 28/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã chủ trì cuộc họp giữa các đơn vị để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
                
   

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 05/8/2021 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBTVQH15 về việc tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Hội nghị nhằm định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát năm 2022 và cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Hội nghị sẽ được triển khai theo hình thức trực tuyến từ Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết nối trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, hội nghị lần này nhằm triển khai toàn diện công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó trọng tâm là các giám sát chuyên đề năm 2022, do đó, các nội dung chương trình, xây dựng phim tư liệu, dự thảo tài liệu, báo cáo cần được thiết kế phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, cần thể hiện rõ các điểm đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội lần này. Theo đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề cương và kế hoạch giám sát; phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng tham gia giám sát, tận dụng kết quả các lần giám sát trước đây; lần đầu tiên lãnh đạo KTNN và Thanh tra Chính phủ tham gia giám sát, giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh thực hiện giám sát và có báo cáo; giám sát thực tế ở địa phương không xác định từ trước trong kế hoạch mà gắn với tình hình thực tế. Đồng thời, giám sát tới cùng, coi trọng hậu giám sát, giám sát việc thực hiện các kiến nghị giám sát trước đây, quy rõ trách nhiệm. Qua đó, bảo đảm yêu cầu giám sát thực sự mẫu mực, để lại dấu ấn và lan tỏa hành động.

Đ. KHOA