Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác châu Âu, đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể

Chính trị - Ngày đăng : 22:35, 07/11/2021

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa, kết quả của chuỗi sự kiện này.


                
   

Thứ trưởngBộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.Ảnh: BNG

   

* Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả dự Hội nghị COP26 của đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu?

Hội nghịCOP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của gần 200 quốc gia thành viên trong đó có 120 Nguyên thủ và Thủ tướng các nước, cùng khoảng 36 nghìn đại biểu. Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị mang nhiều ý nghĩa quan trọng và đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Trước hết, với việc tham gia đóng góp tại Hội nghị, chúng ta đã tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu; qua đó thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, thông qua sự tham gia chủ động, tích cực với những thông điệp sâu sắc thể hiện trong các phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị, đặc biệt là cam kết liên quan đến việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu và Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn chủ trương, quyết tâm, nỗ lực và cam kết chính trị của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặt khác,các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chínhtại Hội nghị cũng được các nước hoan nghênh, ủng hộ, điều này mở ra nhiều cơ hội để chúng ta tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để hỗ trợ các nỗ lực của ta nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sau gần 2 năm dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại và giao lưu quốc tế, nhân dịp tham dự Hội nghịCOP26, Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước ở tất cả các châu lục, trong đó có các đối tác chiến lược, đối tác lớn và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, năng lượng, môi trường...

Qua đó đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc và thuận lợi để giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển đất nước.

Đây cũng là dịp đểchúng ta triển khai ngoại giao vắc xin, ngoại giao y tế, vận động thu hút nguồn lực, bao gồm cả tài chính, công nghệ, góp phần tích cực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

* Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của các hoạt động song phương tại Anh và chuyến thăm chính thức tại Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?

Anh và Pháp đều là hai nước lớn trên thế giới và là Đối tác Chiến lược của Việt Nam. Cả hai nước đang điều chỉnh chính sách hướng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó coi trọng ASEAN và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, kết quả thực chất và có ý nghĩa chiến lược.

Thứ nhất, trong các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo các nước bày tỏ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, thống nhất những định hướng lớn, giao cho các Bộ, ngành triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể, nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng ta và lãnh đạo các nước thống nhất sớm thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, đẩy mạnh hợp tác qua các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân, sớm nối lại các cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành và địa phương.

Đồng thời thống nhấtcùng nỗ lực tăng cường hợp tác trong phục hồi và phát triển kinh tế, tạo điều kiện để hàng hoá tiếp cận thị trường của nhau, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Vương quốc Anh (UKVFTA), tập trung thúc đẩy các chương trình/dự án vềnăng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế số, đổi mới sáng tạo...

Thứ hai là kết quả ấn tượng của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến đi. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được các doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD.

Các bản ghi nhớ hợp tác tập trung trong các lĩnh vực gồm: năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.

Gần 450 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu tham dự trực tiếp và trực tuyến 2 diễn đàn doanh nghiệp ở Anh và Pháp bày tỏ được khích lệ bởi thông điệp của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoàiyên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoàicũng khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, dành các nguồn vốn và công nghệ cao để đồng hành với Việt Nam đưa kinh tế khởi sắc và đón bắt các xu thế phát triển mới.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu. Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Y tế cũng đã làm việc riêng với khoảng gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn để trao đổi về các dự án đầu tư cụ thể và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Thứ ba, hợp tác y tế và công tác ngoại giao vắc xin, vận động các đối tác hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh là một trọng tâm của chuyến thăm.

Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước, các nước đã chia sẻ khó khăn của Việt Nam và đáp ứng tích cực đề nghị của ta.

Cụ thể, Pháp công bố viện trợ thêm gần 1,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 qua kênh song phương và cơ chế COVAX, nâng tổng số liều vắc xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều; Anh khẳng định sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19; Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) và Công ty Astra Zeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều, nâng tổng số thoả thuận lên hơn 55 triệu liều và cam kết trong tháng 11 và tháng 12/2021 toàn bộ số vắc xin sẽ được đưa về Việt Nam.

Thứ tư, với tinh thần triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thủ tướng đã có 2 cuộc gặp với gần 100 kiều bào Anh, Ireland và hơn 200 kiều bào tiêu biểu đại diện cho cộng đồng kiều bào tại Pháp, châu Âu, nhằmthông báo với bà con tình hình mọi mặt của đất nước và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng kiều bào.

Nhìn chung, với chương trình làm việc dày đặc, tiếp xúc trên cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, bạn bè và kiều bào, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể.

Qua đó đã góp phần hiện thực hoá đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII đề ra là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
DIỆU THIỆN
(Nguồn: Bộ Ngoại giao)