Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Chính trị - Ngày đăng : 23:05, 07/11/2021

(BKTO) - Ngày 07/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập giáo hội (07/11/1981 – 07/11/2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương và Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhằm ôn lại chặng đường 40 năm vẻ vang của GHPGVN với tinh thần “Hộ quốc an dân” và kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.


Dự Đại lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh… gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đại lễ được trực tuyến với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố cả nước.
                
   

Quang cảnh buổi Lễ. Ảnh:GHPGVN

   

Trước khi tiến hành Đại Lễ kỷ niệm, đại biểu tham dự đã dành 1 phút để tưởng niệm chư vị lịch đại tiền bối hữu công, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ, Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN viên tịch qua các thời kỳ, Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN tân viên tịch; tưởng niệm các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19.

Trong diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN - cho biết sau 40 năm thành lập, phát triển và hội nhập cùng đất nước, Giáo hội đã khẳng định sự trưởng thành, phát triển, không ngừng lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 40 năm qua.

Cách đây 40 năm, tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội, Đại hội đại biểu của 9 tổ chức giáo hội, hệ phái và tổ chức Phật giáo trong cả nước đã họp và nhất trí tuyên bố thành lập GHPGVN. Thành lập trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất, bước vào thời kỳ hàn gắn, xây dựng đất nước sau chiến tranh, đây là sự kiện hy hữu trong lịch sử khi đáp ứng được nguyện vọng tha thiết thống nhất Phật giáo từ hàng nghìn năm, tiếp nối sự nghiệp của chư vị lịch đại tổ sư qua các thời kỳ lịch sử.

Phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, truyền thống nhập thế đồng hành cùng dân tộc trong suốt 2.000 năm lịch sử, tăng ni, Phật tử GHPGVN đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cùng đất nước. Đến nay, Giáo hội là tổ chức đại diện cho 55.000 tăng ni, hàng chục triệu Phật tử ở trong và ngoài nước.

Với 40 năm đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội đã phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh… Đặc biệt, Giáo hội đã có những đóng góp lớn trong các hoạt động từ thiện, mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế đối với cộng đồng, nhất là trong giai đoạn phòng, chống Covid-19 vừa qua.
                
   

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh:GHPGVN

   

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”.

Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta, Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có hàng nghìn tăng ni, Phật tử trở thành những chiến sĩ yêu nước, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng; nhiều nhà sư đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của cả đất nước.

Với nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc, tinh thần từ bi, hỉ xả, phương châm Phật pháp bất ly thế gian giác, hộ quốc an dân, trong hơn 2.000 năm qua, Phật giáo sớm đã hòa nhập vào đời sống xã hội, trở thành một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chung sức xây dựng đất nước giàu mạnh, cuộc sống yên vui.

Nhiều chư tôn đức thiền sư đã tham gia chính sự, phò vua, giúp nước như đại thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo, Vạn Hạnh… Đồng thời, nhiều vị vua đã lấy tinh thần Phật giáo để thu phục nhân tâm, an dân, trị quốc như Lý Thái Tổ, Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chủ tịch nước đánh giá, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có nhiều tấm gương điển hình giúp đời, hộ quốc an dân. Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn tăng ni, Phật tử đã trở thành chiến sĩ yêu nước, nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng, nhiều nhà sư đã cởi áo cà sa khoác chiến bào.

Trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, hằng năm giáo hội các cấp và giới tăng ni, Phật tử đã quyên góp hàng nghìn tỷ đồng cho người khó khăn, người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, giáo hội đã ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho công tác chống dịch, hàng nghìn tăng ni, Phật tử cùng các chức sắc tín đồ của tôn giáo khác đã đăng ký là tình nguyện viên ra tuyến đầu.

Phật giáo còn làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc. Từ tín ngưỡng và ngôi chùa Phật giáo đã trở thành tín ngưỡng, nơi gắn bó, thân thuộc của nhân dân. Hình ảnh mái chùa thấm sâu vào ký ức mỗi con người Việt Nam. Mái chùa đã trở thành nơi che chở hồn dân tộc.
                
   

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho các cá nhân, tập thể của GHPGVN có nhiều đóng góp to lớn trong hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc. Ảnh:GHPGVN

   

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của GHPGVN trong suốt 40 năm với công tác phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GHPGVN; trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho các cá nhân, tập thể của GHPGVN có nhiều đóng góp to lớn trong hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc.
N.LỘC