Linh hoạt tổ chức dạy học, không hạ chuẩn chất lượng giáo dục
Xã hội - Ngày đăng : 09:36, 10/11/2021
(BKTO) - Xác định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc linh hoạt, thích ứng dạy và học trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết. Song không vì khó khăn do dịch bệnh mà giảm chất lượng dạy và học. Đây là nhấn mạnh của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại Hội nghị trực tuyến với các Sở GD&ĐT về tổ chức dạy, học thích ứng với dịch bệnh, diễn ra ngày 09/11.
Linh hoạt kế hoạch dạy học, tranh thủ thời gian "vàng" cho trẻ đến trường
Thông tin sơ bộ tình hình thực hiện các nhiệm vụ nửa đầu học kỳ I năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, cơ bản các tỉnh, thành phố đã chủ động, linh hoạt và nỗ lực triển khai việc dạy và học trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh một số địa phương tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, còn rất nhiều địa phương phải dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Việc chuyển trạng thái được linh hoạt triển khai, song song với tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học.
Nhiều địa phương tận dụng thời gian "vàng" để cho trẻ đến trường. Ảnh: laodong.com.vn |
Báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm học của tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Sơn cho biết, sau thời gian ảnh hưởng của dịch, từ ngày 24/9/2021, học sinh phổ thông của toàn tỉnh đã tranh thủ thời gian “vàng” để cho học sinh được học trực tiếp trở lại; các khối phân chia lịch học sáng, chiều để đảm bảo giãn cách. Khi dịch vẫn diễn biến khó lường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ cấp độ dịch của địa bàn xã/phường/huyện, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp; đồng thời sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết.
Là một trong những địa phương có diễn biến dịch bệnh Covid-19 lan rộng trong thời gian gần đây, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng cho biết, các hoạt động giáo dục vẫn được các trường duy trì ổn định. Lý do là từ đầu năm, ngành giáo dục của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học để linh hoạt ứng phó với tình huống bất thường. “Hiện Nam Định có 5/10 huyện, thành phố dạy trực tuyến. Những cơ sở dạy học trực tiếp đang ưu tiên thời gian “vàng” để hoàn thành nội dung kiến thức cốt lõi; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình mỗi học kỳ 1 tháng, phòng khi có tình huống bất thường thì chất lượng dạy học không bị ảnh hưởng” – ông Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Nam, mặc dù một số cơ sở giáo dục vẫn xuất hiện F0, F1 nhưng việc tổ chức dạy học của tỉnh vẫn diễn ra bình thường và đảm bảo an toàn. Cụ thể, khi trường học có F0, F1, Quảng Nam chỉ tổ chức cách ly lớp học có ca nhiễm chứ không đóng cửa cả trường. Việc xét nghiệm, sàng lọc, vệ sinh khử khuẩn được nhanh chóng triển khai để sớm đưa hoạt động dạy học tại lớp học đó trở lại bình thường. Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức nội trú, bán trú, hàng tuần địa phương tổ chức test nhanh cho học sinh; khu vực “điểm nóng” thì xét nghiệm 2 lần/tuần để sớm phát hiện ca nhiễm và kịp thời xử lý.
Đáp ứng yêu cầu chất lượng trong mọi điều kiện dạy, học
Cùng với phần lớn các địa phương khác, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã trải qua thời gian dài dạy và học trực tuyến. Xác định an toàn cho thầy và trò là ưu tiên hàng đầu, việc tổ chức dạy học trực tuyến đã được hai địa phương tổ chức với quyết tâm cao. Thậm chí trong khó khăn của dạy học ứng phó dịch bệnh, các nhà trường, giáo viên còn sáng tạo được nhiều nhiều mô hình, cách làm hay, giúp học sinh hào hứng học tập, mục tiêu cuối cùng là duy trì việc học tập cho học sinh và không hạ chuẩn chất lượng theo yêu cầu.
Lưu ý thêm việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường linh hoạt trong phân công giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên để đảm bảo tính logic, khoa học của chương trình môn học và giúp học sinh tiếp thu thuận lợi kiến thức. Khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, các trường cần phân loại học sinh và dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức cho các em trước khi tiến hành kiểm tra, đánh giá.
“Phần lớn học sinh lớp 1, 2 trên cả nước đang học trực tuyến. Những lớp học này, chỉ có 2 bài kiểm tra định kỳ vào cuối kỳ 1 và cuối kỳ 2 và quan điểm của ngành giáo dục là coi trọng đánh giá thường xuyên ở cấp học này hơn. Vì thế, chúng ta tuyệt đối không để học sinh lớp 1 nào học xong chương trình vẫn không biết đọc, biết viết” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài trao đổi tại Hội nghị và đề nghị các địa phương dành quan tâm đến lớp đầu cấp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: moet.gov.vn |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các địa phương đã chủ động, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ năm học nhằm thích ứng tình hình mới và thực hiện các mục tiêu: đảm bảo an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì chất lượng.
Thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các địa phương linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, cố gắng hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Tuy nhiên, dù thực hiện hình thức nào thì “kiên trì mục tiêu chất lượng” vẫn phải được cơ sở giáo dục đặt lên hàng đầu; trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng dạy học của các lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Việc hoàn thành chương trình là quan trọng nhưng duy trì và giữ ổn định chất lượng giáo dục còn quan trọng hơn” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
N.LỘC