Thúc đẩy tài chính toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Kinh tế - Ngày đăng : 23:06, 10/11/2021
(BKTO) - Tài chính toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Việc các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục cung cấp dịch vụ tài chính cho khu vực này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Việc xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện trong nông nghiệp, nông thôn. - Ảnh: Internet |
Tại Hội thảo quốc gia “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam” do Tạp chí Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức vào ngày 10/11, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu tổng quát là mọi người dân, DN đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính với nhu cầu, chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Trong đó, Chiến lược đặc biệt chú trọng tới những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm qua, NHNN luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên. NHNN đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Đây có thể xem là một bước tiến quan trọng để triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, trong đó có một phần lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
“Các TCTD đã tập trung đầu tư vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, lãi suất cho các khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng không chỉ trong việc cấp tín dụng mà còn hỗ trợ đắc lực cho các DN nông nghiệp bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho vay thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho hộ sản xuất” - Phó Thống đốc cho biết.
Để thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng đến phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, đại diện Học viện Ngân hàng đề xuất hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động trong các lĩnh vực mới, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ…
Đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra các giải pháp giúp cải thiện dịch vụ tín dụng cho khu vực nông thôn, đa dạng hóa các nguồn vốn và sản phẩm tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp, phối hợp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tham luận của Viện Tài chính bền vững, Đại học Kinh tế TP. HCM đề xuất các giải pháp đối với ngành ngân hàng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội nghị, các ý kiến đều nhận định tài chính toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Đồng thời, nhiều TCTD đã cam kết tiếp tục tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính, đặc biệt cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia một cách hiệu quả và nhanh chóng./.
THÀNH ĐỨC