Dự án xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn- Túy Loan theo hình thức BT- Kỳ I: Ngân sách nhà nước “gánh” nghĩa vụ trả nợ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:30, 20/11/2017

(BKTO) - Đầu năm 2017, KTNN đã phát hành Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 - Xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Trong đó, KTNN nhấn mạnh, do Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thực hiện Dự án nên về bản chất đã làm tăng nợ công và nghĩa vụ trả nợ sau giai đoạn xây dựng Dự án lại thuộc về NSNN.


Tuyến đường mang ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn

Dự án trên được đầu tư nhằm hoàn thiện một phần nhánh Đông đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng… Tuyến đường sau khi hoàn thành đã phá vỡ thế độc đạo của tuyến đường bộ qua hầm Hải Vân và giải quyết ngập lụt, sự cố trên Quốc lộ 1A.

Dưới sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông qua Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 này do Công ty TNHH đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan đầu tư, triển khai. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách thành dự án thành phần giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng thực hiện.

Theo quy mô đầu tư, Dự án có tổng chiều dài 77,06 km. Ở phân kỳ giai đoạn 1, tuyến đường chỉ có 2 làn xe với tốc độ thiết kế 60 km/h, quy mô mặt cắt ngang 12m. Toàn tuyến có 65 cầu xây dựng mới, trong đó có 22 cầu lớn, 35 cầu trung và 8 cầu nhỏ, thiết kế theo tiêu chuẩn, quy mô vĩnh cửu. Ngoài ra, còn có hạng mục xây dựng hầm Mũi Trâu với chiều dài khoảng 1,28 km.

Trong tổng mức đầu tư Dự án được Bộ GTVT phê duyệt gần 11,5 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn của nhà đầu tư chiếm hơn 10,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn chủ sở hữu theo quy định và vốn nhà đầu tư vay, có bảo lãnh của Chính phủ). Nhà nước thanh toán vốn cho nhà đầu tư khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và không tính lãi trong thời gian xây dựng. Các chi phí thuộc phần của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giải phóng mặt bằng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng được nhà đầu tư ứng trước để thực hiện và Nhà nước thanh toán sau khi bố trí được nguồn.

Qua thực tế kiểm toán, KTNN xác nhận tổng vốn đầu tư của Dự án đến thời điểm 31/10/2016 là gần 10,4 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay nước ngoài là 10,1 nghìn tỷ đồng, còn nguồn vốn chủ sở hữu là 238 tỷ đồng; nhà đầu tư đã giải ngân ứng trước cho phần vốn nhà nước hơn 423 tỷ đồng. Việc huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ giải ngân dự án theo Quy định của Phụ lục Hợp đồng.

Đến 31/10/2016, nhà đầu tư đã huy động được trên 238 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đáp ứng nhu cầu giải ngân của Dự án và còn dư hơn 20 tỷ đồng. Số vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên Báo cáo tài chính của đơn vị tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư ngày 31/12/2014 là 226 tỷ đồng, đáp ứng 101,76% tiến độ đăng ký góp vốn. Giá trị giải ngân đến thời điểm 31/10/2016 là 2.139 tỷ đồng. Tiến độ góp vốn của nhà đầu tư đạt 11,1% so với tiến độ giải ngân, đảm bảo quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư trên tổng mức đầu tư 9,7% theo phương án tài chính.

Dự án BT nhưng nghĩa vụtrả nợ lại thuộc về NSNN

Liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư Dự án, KTNN đánh giá, đơn vị đã cơ bản tuân thủ quy định của Nghị định 112/2009/NĐ-CP, Nghị định 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 2456/2014/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT và các văn bản liên quan. Khối lượng nghiệm thu thanh toán được tính toán, xác nhận giữa các bên cơ bản phù hợp với các điều khoản hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, phát hiện sai sót trong chi phí đầu tư Dự án, KTNN đã giảm trừ một số chi phí xây dựng, tư vấn, chi phí khác và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2 tỷ đồng. Khi kiểm toán giá trị hợp đồng còn lại, KTNN tiếp tục phát hiện sai sót và kiến nghị giảm trừ gần 65 tỷ đồng. Sau thời điểm 30/6/2016 đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Ban quản lý Dự án và nhà đầu tư đã tiếp thu điều chỉnh khắc phục, giảm thanh toán so với giá trị hợp đồng hơn 36,7 tỷ đồng.

Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án tài chính, KTNN cho rằng các chỉ tiêu trong phương án tài chính của Dự án cơ bản phù hợp với Luật Quản lý nợ công và Nghị định 15/2011/NĐ-CP, Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng phương án tài chính chưa quy định rõ chi phí biến động tỷ giá trong thời gian xây dựng là do Nhà nước hay nhà đầu tư chịu.

Đồng thời, theo phương án tài chính, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định là 10% trên phần vốn chủ sở hữu chỉ là tham khảo theo một số hợp đồng BT, BOT đã ký, không có cách tính cụ thể và đến nay cũng chưa có văn bản nào quy định chi tiết về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư.

Về kế hoạch bố trí thanh toán vốn của Dự án được xây dựng căn cứ trên thời hạn vay vốn tại Hợp đồng tín dụng NEXI ký giữa nhà đầu tư và các tổ chức ngân hàng cho vay ngày 29/9/2014 và thời gian thi công công trình, Nhà nước thanh toán vốn vay cho Dự án bắt đầu từ ngày 29/3/2018.

Đồng thời, căn cứ vào Hợp đồng BT, Nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư vốn chủ sở hữu trong thời gian 9 năm kể từ khi công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng (từ tháng 3/2018 đến năm 2026), nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư hằng năm của Bộ GTVT từ nguồn vốn NSNN hoặc từ nguồn trái phiếu chính phủ.

Qua kiểm toán, KTNN nhấn mạnh, theo lịch biểu trả nợ của Hợp đồng tín dụng NEXI, thời gian trả nợ vốn vay lần 1 từ ngày 29/3/2018. Thế nhưng, tại Quyết định 3278/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2016, Bộ GTVT lại cho phép tăng quy mô nền đường và một số cầu nhỏ theo tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe nên Dự án dự kiến kéo dài đến hết năm 2018. Theo Thông tư 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, điều kiện thanh toán Hợp đồng BT là “dự án phải được đầu tư xây dựng, hoàn thành, bàn giao theo đúng cam kết trong hợp đồng”. Như vậy, nếu thực hiện theo Thông tư này thì sẽ làm tăng chi phí lãi vay và phá vỡ phương án tài chính.

(Kỳ sau đăng tiếp)
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017