Xử phạt DN xuất khẩu lao động vi phạm: Mạnh tay để lập lại kỷ cương

Xã hội - Ngày đăng : 14:20, 20/11/2017

(BKTO) - Vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã công bố danh sách 46 DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị thu hồi giấy phép… Động thái này của cơ quan chức năng đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực quản lý XKLĐ diễn ra lâu nay.


Đủ hình thức vi phạm

Nguyên nhân các DN này bị thu hồi giấy phép do vi phạm các quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: không trực tiếp tuyển dụng lao động; cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài; lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của NLĐ; không làm thủ tục cấp đổi giấy phép; đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định; DN bị xử phạt nhiều lần…

Theo quy định của Luật, các DN này sau khi bị thu hồi giấy phép vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng còn hiệu lực. Đồng thời, các DN này sẽ phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các hợp đồng đang còn hiệu lực; số lượng NLĐ đang làm việc ở nước ngoài; số lượng NLĐ đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài; phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực.

Đây không phải là lần đầu tiên các DN vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra quyết định xử phạt nhiều DN XKLĐ với hàng loạt các lỗi như: lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn người đi làm giúp việc gia đình; vi phạm đưa NLĐ đi làm việc khi chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận; không báo cáo danh sách lao động trước khi xuất cảnh… Mức xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cao nhất là thu hồi giấy phép đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn của cơ quan chức năng.

Điều đáng nói, theo bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay còn xuất hiện tình trạng lừa đảo đưa người đi XKLĐ với các hình thức ngày càng tinh vi. Điển hình như pháp luật của Việt Nam không cho phép các DN đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Nhưng nhiều DN vẫn sử dụng các trang web để đưa thông tin tuyển lao động đi làm việc. Do đó, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo: NLĐ cần cảnh giác với các thông tin này để tránh "tiền mất, tật mang".

Kẽ hở của pháp luật

Những việc làm bất hợp pháp trên của DN tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính NLĐ cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác lao động của quốc gia, làm giảm uy tín của thị trường Việt Nam.

Ngoài những vụ việc được xử lý quyết liệt, mạnh mẽ như vừa qua, theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, về cơ bản các chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các DN có hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có nêu mức xử phạt đối với các hành vi này. Tuy nhiên, Điều 34 của Nghị định lại không quy định về việc xử phạt đối với hành vi của DN tổ chức đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép XKLĐ.

Bên cạnh đó, mức xử phạt đối với DN vi phạm hiện nay được cho là quá thấp, không đủ sức răn đe đối với các DN vi phạm, trong khi lợi nhuận đem lại cho các DN là rất lớn. Chẳng hạn, theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký DN bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng.

Do đó, để thị trường XKLĐ phát triển bền vững và bảo đảm lành mạnh, nâng cao hiệu quả của hoạt động XKLĐ, ngoài việc các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các DN làm công tác XKLĐ, các cơ sở giới thiệu việc làm, cần nâng cao mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hoạt động XKLĐ, đặc biệt là các DN hoạt động “chui”, đủ sức răn đe và kiên quyết loại trừ các DN, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân hoạt động giới thiệu việc làm và XKLĐ.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017