Người thầy trong thời đại hội nhập 4.0
Xã hội - Ngày đăng : 09:52, 18/11/2021
(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động nặng nề và được dự báo ảnh hưởng lâu dài đến các hoạt động kinh tế - xã hội, song với tinh thần sẵn sàng các nguồn lực phục vụ cho giai đoạn phục hồi, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang chủ động trong việc đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề cho người lao động bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo.
Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận tại tọa đàm "Hợp tác quốc tế trong GDNN: Cơ hội và tiềm năng" do Tổng cục GDNN tổ chức chiều ngày 15/11.
Nâng cao năng lực dạy học từ nguồn hỗ trợ quốc tế
Tại Tọa đàm, bà Vũ Lan Hương - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục GDNN cho biết, trong vòng 15 năm, Tổng cục GDNN đã xây dựng hợp tác với 20 đối tác, thông qua 30 biên bản ghi nhớ hợp tác, 20 dự án ODA và 600 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chính sách, xây dựng tiêu chuẩn và đánh giá kỹ năng nghề, thúc đẩy hợp tác với DN…
Kết quả đạt được là thiết bị, cơ sở vật chất và nhà xưởng thực hành hiện đại, phục vụ hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chuyển giao thành công chương trình, giáo trình liên kết đào tạo chuẩn các nước phát triển (Australia, Đức, Nhật Bản...).
Đáng chú ý, qua các chương trình hợp tác, năng lực của cán bộ quản lý, chất lượng của giáo viên được nâng cao, bước đầu tiếp cận tiêu chuẩn của các nước phát triển. Nhờ có sự hợp tác quốc tế trong xây dựng và nâng cao đội ngũ nhà giáo GDNN mà có khoảng 5.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo; hơn 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài (Malaysia, Australia, Đức, Pháp…); 655 nhà giáo đào tạo theo chuẩn chương trình chuyển giao từ Australia, Đức.
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Tổng cục GDNN |
Thông tin tại Tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, những kết quả trong việc hợp tác, nâng cao năng lực GDNN vừa qua chính là cơ sở quan trọng để Tổng cục tiếp tục kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư, các DN nước ngoài tham gia phát triển GDNN nói chung.
Bên cạnh đó, ở các cấp tương ứng, lĩnh vực GDNN sẽ mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức, hiệp hội khu vực, quốc tế. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam với các cơ sở GDNN nước ngoài, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập.
Những yêu cầu mới cho người thầy
Nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng như hiện nay, vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng, nhiều ý kiến tại Tọa đàm cũng cho rằng, việc đầu tư trong GDNN phải lấy yếu tố con người làm trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh sự lan tỏa của công nghệ ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi ở người thầy những phẩm chất, kỹ năng mới với những yêu cầu cao hơn trước.
Muốn làm được điều này, bà Vũ Lan Hương cho rằng, người thầy cần phải tiên phong, đi trước đón đầu đổi mới, thậm chí là phải dự báo xu thế để mang lại thay đổi trong giáo dục; đồng thời không ngừng học hỏi, tự làm mới chính mình ở mọi lúc, mọi nơi. Một trong những con đường thúc đẩy đạt được mục tiêu này, đó là thông qua hợp tác quốc tế.
Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Trần Thị Mai Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ châu Á - Thái Bình Dương cho biết, những kết quả mang lại từ dự án hợp tác quốc tế “Thúc đẩy hội nhập nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề cho giới trẻ Việt Nam, Lào, Campuchia” (2016 đến 2020) đã góp phần tác động đến nỗ lực đổi mới GDNN. Đơn cử, từ dự án này đã có gần 5.000 cán bộ, nhà giáo GDNN được đào tạo, tập huấn về những phương pháp giáo dục mới tiên tiến tại các quốc gia có nền GDNN phát triển để ứng dụng vào việc giảng dạy hiện nay.
Ông Dương Xuân Quý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng cho rằng, trong đào tạo giáo viên, cần đặc biệt chú trọng đến đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin, bởi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nhà giáo GDNN trong bối cảnh hiện nay. “Phải có các công cụ này thì mới chuyển giao được các chương trình quốc tế” – ông Quý nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Việt Hương cho rằng, trong mọi trường hợp, dù đào tạo cho giáo viên hay người học, đích đến vẫn là phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tức là phải bám sát tính thực tế. Do đó, các bên (nhà trường, DN...) phải cùng nhau xây dựng những dự án hợp tác cụ thể hướng đến tăng cường chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN, trong đó người đào tạo là người của DN. “Ưu tiên phát triển hệ thống GDNN trong đó huy động được chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của DN trở thành người làm công tác đào tạo” - bà Hương cho biết và nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh mới, người thầy cũng phải sắm vai người học để nỗ lực không ngừng và lấy nhu cầu của DN làm thước đo đánh giá.
NGUYỄN LỘC