Doanh nghiệp kiểm toán trước yêu cầu hội nhập
Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 22/11/2017
(BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng cho rằng, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với các công ty kiểm toán.
Thưa ông! Việc ký kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do và nhất là tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa qua được kỳ vọng mở ra những cơ hội hợp tác cho DN Việt Nam. Xin ông cho biết, đâu là cơ hội thuận lợi mà các công ty kiểm toán có thể tận dụng từ hội nhập khu vực và quốc tế?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng của Chính phủ đã tạo ra những động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam. Khi bắt tay với các DN Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ nhìn vào thực trạng tài chính mà còn xem xét xem hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, năng lực quản trị, quy chế vận hành của DN có đảm bảo phát triển bền vững hay không.
Đây chính là cơ hội để các công ty kiểm toán đưa ra giải pháp tư vấn cho DN. Theo đó, công ty kiểm toán có thể tư vấn cho DN về thuế, kiểm soát, quản trị, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, mua bán và sáp nhập… Tư vấn là dịch vụ quan trọng đối với những công ty kiểm toán muốn mở rộng quy mô, có những định hướng phát triển trong tương lai.
Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng.Ảnh: NGỌC MAI
Vậy các công ty kiểm toán Việt Nam cần phải làm gì để có thể tư vấn cho DN cũng như phát huy tốt vai trò của mình trong hội nhập, thưa ông?
- Tại Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua, nhiều vấn đề nóng, mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế thành viên và cộng đồng DN APEC đã được đề cập như: kỹ năng lao động, tự động hóa, công nghệ thông tin, kinh tế mạng, kinh tế số… Do đó, các DN phải đầu tư vào tự động hóa, chú trọng đào tạo nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin… để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Điều này cũng đặt ra cho các công ty kiểm toán những yêu cầu mới. Nghĩa là, khi DN đã chuyển sang tự động hóa, nhiều quy trình nghiệp vụ không còn được thực hiện bằng các phương pháp thủ công như trước đây thì công ty kiểm toán cũng phải có sự đổi mới về phương pháp kiểm toán để nhận diện rõ hơn những vấn đề về kiểm soát, quản trị v.v… có tác động và ảnh hưởng tới chất lượng (tính trung thực và hợp lý) của báo cáo tài chính. Các kiểm toán viên sẽ không biết điều gì xảy ra với các số liệu và dữ liệu tài chính trong các quy trình tự động hóa của DN nếu không có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
Hơn nữa, điều mà các DN kỳ vọng là công ty kiểm toán có thể đưa ra những tư vấn, giải pháp cho vấn đề quản trị, điều hành… bên cạnh dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính. Các kỳ vọng này đòi hỏi công ty kiểm toán phải đầu tư ở tầm cao hơn, hoàn thiện và nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên để có những giải pháp tư vấn và dịch vụ khả thi, phù hợp với khách hàng.
Bên cạnh sự nỗ lực của các công ty kiểm toán, theo ông, Nhà nước cần có thêm chính sách gì nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán độc lập?
- Thực tiễn hoạt động kiểm toán độc lập đã đặt ra vấn đề: ranh giới giữa tư vấn và kiểm toán. Nghĩa là, nếu công ty kiểm toán tham gia tư vấn quá sâu vào các quy trình kiểm soát của DN và sau đó lại thực hiện kiểm toán DN thì sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, thậm chí làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của các báo cáo tài chín được kiểm toán, đặc biệt là của các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán. Kinh nghiệm quốc tế cũng đã cho thấy những hậu quả của việc các công ty kiểm toán vi phạm nguyên tắc này.
Do đó, bản thân công ty kiểm toán phải nhận thức rõ nếu đã tư vấn sâu cho DN về kiểm soát và quản trị tài chính, tham gia vai trò quản lý hoặc ra quyết định quản lý, quản trị v.v… thì không thể nào kiểm toán DN đó được nữa. Đây là nguyên tắc trọng tâm mà các công ty kiểm toán phải tôn trọng để đảm bảo sự độc lập trong hoạt động, nhất là khi Việt Nam là thành viên của APEC và tham gia nhiều sân chơi khu vực cũng như quốc tế khác.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nguyên tắc và quy định về tính độc lập trong kiểm toán còn chung chung, chưa đủ chi tiết và quy định cụ thểđể giúp các công ty kiểm toán phát huy tốt vai trò mà không bị vướng vào những xung đột lợi ích. Do đó, bên cạnh việc đưa ra những yêu cầu chung về vấn đề này, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cần phối hợp với Ủy ban Chứng khoán xây dựng những yêu cầu riêng, cụ thể về ranh giới giữa kiểm toán và tư vấn cho những DN niêm yết.
Ở góc độ tư vấn, ông có khuyến nghị gì để giúp DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số như 1 trong 4 ưu tiên mà Năm APEC 2017 đã đề ra?
- DN nhỏ và vừa thường chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và không mấy quan tâm đếncông tác quản trị như kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro vàminh bạch số liệu, sổ sách kế toán. Nhưng những DN này cứ giữ thói quen đó thì trong tương lai, khi đã phát triển, họ sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí và công sức cho việc làm lại hệ thống sổ sách, thậm chí có xây dựng lại hệ thống quản trị cũng khó thay đổi thói quen, quy trình cũ.
Trên thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa sau một thời gian hoạt động đã tương đối thành công, trở thành DN có quy mô nhất địnhvà bắt đầu tínhđến IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hoặc tìm đối tác chiến lược. Thế nhưng, khi đối tác vào và yêu cầu chứng minh tính minh bạch của sổ sách và minh bạch trong quản trị thì DN lại không đáp ứng được, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội hợp tác. Đó là bài học mà DN nhỏ và vừa cần đúc rút nếu muốn mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
Xin cảm ơn ông!
NGỌC MAI
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 16-11-2017