Việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” - Kỳ I: Nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện tái cơ cấu ngân hàng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:00, 09/02/2017
(BKTO)- Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và nhiều chuyên giakinh tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các Bộ,ngành liên quan trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng. Sự nỗ lựcấy cũng đã được KTNN ghi nhận trong Báo cáo tổng hợp kiểm toán Chuyên đề việcthực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”.
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Báo cáo của KTNN chỉ rõ: Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” (Đề án 254), Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-NHNN ngày 18/4/2012 về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án 254, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị với lộ trình cụ thể. Đồng thời, NHNN tổ chức quán triệt Đề án đến các tổ chức tín dụng (TCTD) và các đơn vị trong toàn ngành.
Giai đoạn 2012-2014, 6 TCTD đã phải tiến hành sáp nhật do bộc lộ quá nhiều bất cập, yếu kém trong hoạt động.Ảnh TS
Nhằm triển khai thực hiện Đề án 254, NHNN đã tiến hành đánh giá, phân loại các TCTD theo mức độ an toàn, lành mạnh trên cơ sở kết quả thanh tra, giám sát. Giai đoạn 2012-2014, NHNN đã tổ chức thanh tra toàn diện đối với 47 các TCTD, TCTD phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất do cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) thực hiện lên tới 1.536 cuộc chỉ trong 2 năm (2012 và 2013). Qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN đã phát hiện nhiều rủi ro gây mất an toàn hoạt động và vi phạm pháp luật ở các TCTD; đồng thời chỉ ra và nhận diện được một số TCTD yếu kém, làm cơ sở và chỉ đạo kịp thời triển khai các bước cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Đối với các phương án cơ cấu lại từng ngân hàng yếu kém do các TCTD xây dựng, NHNN đã tiến hành thẩm định, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai. Kết quả là trong 3 năm (2012-2014), 6 TCTD đã được tiến hành sáp nhập.
Đáng lưu ý, NHNN đã thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với một số TCTD hoạt động yếu kém như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) và Công ty Tài chính Handico. Quyết liệt hơn, NHNN đã thực hiện mua lại bắt buộc với giá 0 đồng/cổ phiếu của VNCB và OceanBank theo đúng quy định của pháp luật; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích, tư cách cổ đông hiện hữu và chuyển đổi 2 ngân hàng này thành ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đây là 2 ngân hàng đã bộc lộ quá nhiều bất cập trong hoạt động cũng như trong quá trình thực hiện phương án tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại và triển khai, hoàn thiện, bổ sung một số nội dung trong phương án. Đồng thời, NHNN đôn đốc, yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị các ngân hàng TMCP, công ty tài chính, Quỹ Tín dụng nhân dân xây dựng, bổ sung phương án cơ cấu lại đến năm 2015. Tính đến ngày 30/4/2015, NHNN đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt được 55 phương án cơ cấu lại của các TCTD. Cùng với đó, nhằm giảm thiểu khả năng một ngân hàng TMCP sở hữu cổ phần của nhiều TCTD khác, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014, trong đó quy định cụ thể các điều kiện cho phép ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác.
Các Bộ, ngành… cùng vào cuộc
Không chỉ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để giải quyết hậu quả của giai đoạn phát triển “nóng” trong hệ thống ngân hàng, NHNN còn hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, cơ quan và tổ chức có liên quan thực hiện Đề án 254, Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/7 và ngày 31/12 hằng năm; đảm bảo các nội dung theo quy định như: tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý về việc thực hiện Đề án.
Ngoài ra, NHNN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan, tổ chức, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cơ cấu lại hệ thống các TCTD để ổn định tâm lý, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tránh gây tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính.
Trong hành trình thúc đẩy tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015 cán đích, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của NHNN, Bộ Tài chính cũng đã cơ bản thể hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với NHNN. Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD và Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Bộ Tài chính cũng tham gia cụ thể vào Đề án cơ cấu lại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và phương án xử lý Công ty cho thuê tài chính II-Agribank (ALCII). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về việc tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng TMCP nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và đề nghị của NHNN. Bộ Tài chính cũng đã chủ trì, phối hợp với NHNN xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của TCTD được cơ cấu lại; miễn giảm Thuế Thu nhập DN đối với các TCTD sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất; miễn, giảm thuế, phí hợp lý đối với Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Sự nỗ lực của NHNN và các Bộ, ngành liên quan trong thực thi nhiệm vụ được giao đã giúp hệ thống ngân hàng đạt được những thành công nhất định trong giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015.
(Kỳ sau đăng tiếp)
THÀNH ĐỨC