Việt Nam tích cực đóng góp vào việc xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:23, 24/11/2021
(BKTO) - Tối 23/11, trong khuôn khổ các hoạt động tiến tới Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Phiên thảo luận “Đối ngoại đa phương: Tăng cường sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Quang cảnh Phiên thảo luận tại điểm cầu Bộ Ngoại giao. Ảnh: D.THIỆN |
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết, thời gian qua, công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; chủ trì tổ chức thành công Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp chủ động, tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như: Phong trào Không liên kết, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Ủy hội sông Mê Công quốc tế…
Ngoài ra, Việt Nam cũng ứng cử thành công vào nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc, đồng thời hiện đang tích cực ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giaoĐặng Hoàng Giang phát biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh: D.THIỆN |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, những kết quả đó đạt được là nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như nỗ lực triển khai, đóng góp hiệu quả và tích cực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Đánh giá về những thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho rằng, các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đang ngày càng nổi lên gay gắt trên toàn cầu, tác động sâu sắc đến môi trường phát triển, an ninh của đất nước. Những thách thức này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương, nhằm góp phần thực hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu đã thống nhất một số biện pháp để thúc đẩy công tác đối ngoại đa phương nói chung và trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống nói riêng.
Cụ thể, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tích cực đề xuất các sáng kiến, ý tưởng tại các diễn đàn đa phương, từng bước vươn lên đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt”, “định hình luật chơi” khi điều kiện cho phép; tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tận dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường sự tham gia của Việt Nam tại các cơ chế đa phương trong thời gian tới./.
DIỆU THIỆN