Đổi thay trên vùng đất tam giác mạch

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 15:35, 24/11/2017

(BKTO) - Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ chương trình 135 nói chung và nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ireland nói riêng đã góp phần làm cho tình hình kinh tế-xã hội của các xã đặc biệt khó khăn ở Hà Giang có những chuyển biến rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện.


Theo chân những kiểm toán viên thực hiện kiểm toán Dự án công trình hạ tầng quy mô nhỏ thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 do Chính phủ Ailen viện trợ tại Hà Giang, chúng tôi đã có dịp đến Mèo Vạc để tìm hiểu về hiệu quả mà Chương trình này đã mang lại cho cuộc sống của bà con nơi đây.


(chú thích video: đường lên huyện Mèo Vạc theo Quốc lộ 4C hay còn gọi là đường “Hạnh phúc” - vô cùng hiểm trở, với những đoạn “cua tay áo” nối tiếp nhau dài như bất tận

Trưởng Đoàn kiểm toán Lại Xuân Nghị cho biết: Nhiệm vụ của Đoàn kiểm toán là xác nhận tính đúng đắn, trung thực của số liệu, tài liệu kế toán, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện dự án. Đồng thời, qua hoạt động kiểm toán, Đoàn Kiểm toán sẽ phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật.

Đoàn công tác khảo sát tại Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc

Từ thực tế kiểm toán, kiểm toán viên Nguyễn Trung Thiện chia sẻ: các công trình, dự án được đầu tư từ nguồn viện trợ của Chính phủ Ailen tại các huyện nghèo đều được nhân dân trong vùng đồng tình, ủng hộ, góp phần giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề vật chất để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Hoàng Đức Tiến tâm sự: Cao nguyên đá Hà Giang gồm 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, có diện tích gần 600km2, trong đó có tới 3/4 diện tích là núi đá vôi và đá tai mèo. Ở đây, mạch nước ngầm hiếm hoi, khả năng trữ nước trên núi đá kém nên hạn hán quanh năm, người dân luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Mùa khô, nhiều nơi người dân phải lặn lội đi bộ rất xa để lấy một vài can nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Hoàng Đức Tiến bên công trình
         
“Với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng, công trình được hoàn thành vào giữa năm 2017, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 86 hộ dân lân cận, 3 trường học với khoảng 600 cháu và khối văn phòng UBND xã. Có lẽ vui nhất là các em học sinh bán trú, việc tắm giặt, ăn uống cũng trở nên thận tiện và vệ sinh hơn” - Bí thư Đảng bộ xã Mông Tiến Bộ cho biết.

Để giúp Hà Giang khắc phục những khó khăn, Chính phủ Ailen đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình cấp nước. “Việc xây dựng công trình cấp nước tại trung tâm xã Nậm Ban là cấp bách, phục vụ trực tiếp cuộc sống người dân, bước đầu phát huy tác dụng tốt. Về lâu dài, xã có thể huy động nhân dân xây thêm các bể chứa tại các thôn lân cận để dẫn nước từ đây về cho bà con sử dụng vì nguồn nước đầu nguồn khá phong phú. Cùng với đó, vấn đề duy tu, bảo dưỡng cũng cần được UBND xã quan tâm để công trình sử dụng được lâu dài nhất” - bà Trương Thị Minh - đại diện Đại sứ quán Ailen - cho biết.

Bà Trương Thị Minh - Đại diện Đại sứ quán Ailen

Đoàn trở về TP. Hà Giang khi trời đã ngả về chiều. Chiếc xe chậm rãi vượt qua từng con dốc. Những ngôi nhà 2, 3 tầng mới ven đường đang mọc lên ngày một nhiều thêm. Từng vạt hoa tam giác mạch mới gieo, đang trồi lên từ hốc đá đón lấy ánh nắng mặt trời. Cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày…


Link: bài hát