Bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: Gửi gắm kỳ vọng chấn hưng văn hóa, phát triển đất nước

Chính trị - Ngày đăng : 09:22, 25/11/2021

(BKTO) - Chiều 24/11, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra phiên làm việc thứ 2 của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


                
   

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: qdnd.vn

   

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sau phát biểu chỉ đạo định hướng của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Hùng trình bày về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đến năm 2030 với 4 mục tiêu chung, 8 mục tiêu cụ thể, 11 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đồng chí cho biết, Hội nghị văn hóa quy mô toàn quốc dự định sẽ được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.

Hội nghị tiếp tục được nghe các tham luận: “Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay” của GS,TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Để văn hóa, văn nghệ “soi đường cho quốc dân đi” của PGS,TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; “Hoàn thiện hệ thống pháp luật Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Tuyết Ánh…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc cần đánh giá đúng những gì đã đạt được, nhìn thẳng vào bất cập, thiếu sót, để thống nhất nhận thức, từ đó chấn hưng văn hóa.

Theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực văn hóa - xã hội trong ngắn hạn "không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế", nhưng những tác động văn hóa đưa lại là lâu dài và không thể so sánh.

Phó Thủ tướng cho rằng một trong những điều quan trọng cần được khơi dậy thông qua Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là tinh thần chống lại giặc nghèo, giặc tụt hậu. Nhắc đến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nói hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, nhưng chắc chắn nghèo thì không thể hạnh phúc được. Đơn cử như khi chống dịch Covid-19, không có tiền để mua vắc xin, mua thuốc chữa bệnh cho nhân dân thì làm sao hạnh phúc.
                
   

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận Hội nghị chiều 24/11. Ảnh: nhandan.com.vn

   

Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phải phát triển, phải chống tụt hậu, "phải thôi thúc, tiếp tục tạo xung lực để phát huy toàn bộ sức mạnh toàn dân, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững". Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập, chúng ta cần cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt, miễn là cái khác biệt đó không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước. Khi tạo được môi trường cho tất cả mọi tài năng của con người được phát huy, bùng nổ thì văn hóa sẽ phát triển nhanh hơn, làm được những điều mà trong điều kiện bình thường không làm được.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh văn hóa làm gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy mọi người phải cần, kiệm, liêm, chính, và cán bộ thì thêm "chí công, vô tư". Một người khi được khen là đẹp, giàu, học vấn cao chắc chắn không thấy được động viên bằng khen là "có văn hóa". Do đó, ông mong các cấp, các ngành bằng hành động cụ thể chú trọng hơn đến văn hóa, dành cho văn hóa nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa.

Diễn ra trong thời gian 01 ngày, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đánh giá một cách tương đối toàn diện việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Với những kết quả to lớn đạt được, Hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

N.LỘC