Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021

Đầu tư - Ngày đăng : 10:52, 01/12/2021

(BKTO) - Quán quân của Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2021 được công bố ngày 30/11 đã thuộc về Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Tiếp theo là Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí lần lượt xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3.


                
   

Nguồn: VNR

   

Lọt vào Top 10 của Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 do Vietnam Report thực hiện còn có Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Agribank, Tập đoàn Xăng dầu, Ngân hàng BIDV, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động và Tập đoàn Than - Khoáng sản.

Số liệu nghiên cứu từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 so với Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 cũng cho thấy tổng doanh thu của nhóm ngành nông lâm thủy sản có mức tăng đáng kể 25,7%, trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ tương ứng giảm 14,8% và 5,9% so với năm ngoái.

Xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ DN trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân của các DN bị giảm so với Bảng xếp hạng VNR500 năm ngoái.

Cụ thể, ROA bình quân của các DN VNR500 năm nay đạt 5,31% - giảm 0,42 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020. Chỉ số ROS bình quân cũng giảm xuống 6,15% so với mức 6,58% của năm ngoái. Ở chiều ngược lại, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân tăng nhẹ từ 16,24% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 lên 16,42% trong năm nay.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu cùng hiệu suất sinh lời trên doanh thu tốt hơn rất nhiều so với hai khu vực kinh tế còn lại là khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.

Điểm sáng hiếm hoi đáng ghi nhận là trong khi các chỉ số này của hai khu vực FDI và tư nhân đều cho thấy xu hướng giảm nhẹ so với năm trước, thì đối với khu vực kinh tế Nhà nước, các chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng tài sản, vốn, khả năng sinh lời trên doanh thu có dấu hiệu tăng, đặc biệt chỉ số ROS có mức tăng nhiều nhất, 1,82 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng năm 2020.

Hiệu quả hoạt động của DNNN và khả năng chống chịu các cú sốc, như Covid-19 vừa qua, đóng vai trò hết sức quan trọng do khu vực này có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Với các chỉ số trên có thể thấy về tổng thể, DNNN đạt kết quả hoạt động tốt hơn so với mức bình quân của các DN trong nước trong thời gian qua.

Báo cáo “Kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và tác động của Covid-19” của World Bank cũng chỉ ra các DNNN được hưởng lợi một phần từ một số chính sách trong gói hỗ trợ kinh tế Covid-19 của Chính phủ dành cho các DN, hầu hết các DN đều có khả năng kiểm soát, nhờ dự phòng và thích ứng với khủng hoảng (giữa năm 2020) thông qua những biện pháp về hoạt động và tài chính nhằm hạn chế tác động tiêu cực.

Dịch bệnh Covid-19 tác động đến các DNNN và nới rộng khoảng cách về hiệu quả hoạt động, dù không đồng đều giữa các ngành. Dịch bệnh tác động đặc biệt nặng nề đến ngành vận tải và các ngành nhà hàng, khách sạn và du lịch (với mức suy giảm 14 nghìn tỷ đồng - từ lợi nhuận 3,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 sang thua lỗ 11,1 nghìn tỷ đồng năm 2020), do những ngành này bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại (theo Báo cáo của World Bank).
                
   

Nguồn: VNR

   

Từ thống kê của Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 cho thấy, hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về tổng doanh thu so với Bảng xếp hạng năm ngoái. Chỉ có ngành bán lẻ, thép, tài chính và điện ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng dương trong Bảng xếp hạng năm 2021 so với năm 2020, các nhóm ngành còn lại có sự sụt giảm đáng kể về tổng doanh thu. Những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là vận tải - logistics, khoáng sản - xăng dầu, cơ khí và thực phẩm - đồ uống.
QUỲNH ANH