Chuyển đổi số - Các Bộ, ngành, địa phương không thể đứng ngoài cuộc!

Chính trị - Ngày đăng : 20:36, 01/12/2021

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), chiều 30/11.


                
   

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Chính phủ

   

Đây là phiên họp thứ nhất của Ủy ban kể từ thời điểm được kiện toàn từ Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dấu ấn chuyển đổi số ở các Bộ, ngành

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. “Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về CĐS, trong đó có việc tạo ra các thể chế số”. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho CĐS thì sẽ tạo ra thị trường CĐS cho các DN công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của CĐS. Đó sẽ là những cú hích quan trọng cho CĐS thành công tại Việt Nam.

Đại diện cho cơ quan có bước CĐS mạnh mẽ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, kết quả nổi bật là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân. Đây là 2 dự án quan trọng, là tài nguyên quốc gia đắt giá, là dữ liệu gốc cho quá trình phát triển CĐS, kinh tế số, xã hội số. Đến nay, Bộ Công an đã và đang phát huy hiệu quả 2 dự án này. Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công an “làm giàu” cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua số liệu thống kê của 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho CĐS ước tính 15.000 tỷ đồng mỗi năm. Chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động CĐS trung bình chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động. Nhiều ngân hàng, 90% giao dịch thực hiện trên nền tảng số. Thống đốc NHNN mong muốn thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp, cho phép các tổ chức tín dụng trong hệ thống kết nối với cơ sở dữ liệu căn cước công dân để mở rộng lĩnh vực CĐS.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ, nền nông nghiệp từ thói quen phỏng đoán, ước chừng cần chuyển qua ghi nhận, thu thập rồi phân tích thông tin để kịp thời cập nhật, chuyển tải đến người nông dân, hợp tác xã, DN, nhà tiêu thụ, cơ quan quản lý. Nền nông nghiệp từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa cần được tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.

Các "điều kiện cần" cho chuyển đổi số

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: CĐS là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. “Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”.

Khẳng định CĐS tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông từ trung ương tới cấp cơ sở. CĐS tác động tới mọi người dân nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho CĐS. Mọi chính sách đều hướng về người dân, DN và người dân, DN cần tham gia vào quá trình CĐS.

Giao các công việc cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh: Phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CĐS; tích cực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu; triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế rộng rãi.

Về kế hoạch CĐS quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo đột phá, đặc biệt là việc hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân; Quy chế quản lý, vận hành, khai thácCơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và CĐS quốc gia...

Theo Thủ tướng, công cuộc CĐS đòi hỏi phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS.

CĐS phải có đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả. “Chúng ta phải đẩy mạnh hợp tác công - tư trong CĐS; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho xã hội để phục vụ CĐS với 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu đối với một số công tác. Theo đó, công tác giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả của CĐS phải được tăng cường. Đồng thời, việc đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông sẽ tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng của người dân, DN để cùng vào cuộc với cấp chính quyền. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cũng góp phần thúc đẩy công cuộc CĐS./.
HỒNG NHUNG