Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lý triệt để nợ xấu

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:15, 27/11/2017

(BKTO) - Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Sau 3 tháng triển khai, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã đạt được những kết quả bước đầu. Đây chính là tiền đề, tạo động lực cho các cơ quan chức năng cũng như các ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.


VAMC và các ngân hàngcùng vào cuộc

Để thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lựa chọn 6 ngân hàng được phép thí điểm xử lý nợ xấu, gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank).

Trong đó, Vietinbank và Sacombank có lượng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cao nhất. Kết quả thí điểm này sẽ là cơ sở để NHNN nhân rộng việc thực hiện Nghị quyết 42 tới tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là bước quan trọng giúp ngành Ngân hàng xử lý dứt điểm 153.000 tỷ đồng nợ xấu ước tính đang nằm trong hệ thống, cùng 250.000 tỷ đồng nợ xấu VAMC đang nắm giữ.

Chưa đầy 1 tuần Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã siết nợ Tòa nhà Saigon One Tower với giá 7.000 tỷ đồng. Đây chính là tín hiệu đầu tiên cho thấy Nghị quyết 42 đã được triển khai một cách quyết liệt với quyết tâm cao. Tiếp đến, trong tháng 9, VAMC tìm đơn vị định giá 8 lô đất tại Quận 7 (TP.HCM) với tổng diện tích trên 50.000m2, có trị giá 2.400 tỷ đồng của 2 công ty thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Cũng trong tháng 9, VAMC đã ký kết thỏa thuận với Sacombank để xử lý từ 15.000 - 20.000 tỷ đồng nợ xấu tính từ thời điểm ký kết đến cuối năm.

Cùng với VAMC, các ngân hàng được lựa chọn thí điểm xử lý nợ xấu cũng cùng vào cuộc. Kể từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2017, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản bảo đảm là bất động sản, xe của cá nhân và tổ chức. Hay, chỉ trong tháng 10, Agribank đã thông báo số lượng tài sản bán đấu giá của ngân hàng có giá khởi điểm lên đến hơn 1.000 tỷ đồng…

Ngoài các ngân hàng được lựa chọn thí điểm xử lý nợ xấu, một số ngân hàng khác cũng đã quyết liệt thực thi Nghị quyết 42. Điển hình là, Vietcombank đã ráo riết thực hiện các biện pháp để xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu như bán đấu giá, phát mại tài sản và công bố rộng rãi trên website về các tài sản sắp xử lý.

Những động thái trên đã góp phần mang lại kết quả bước đầu về việc thực hiện Nghị quyết 42. Trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, gần 15.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý.

Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 là hướng đi đúng đắn, nhằm giải quyết triệt để những khoản nợ xấu cũng như những thách thức, rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực bước đầu, việc thực hiện Nghị quyết 42 vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Nghị quyết 42 được nhận định là biện pháp giúp các ngân hàng tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm và đấu giá tài sản bảo đảm. Nhưng theo Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng, hiện tại, các ngân hàng cũng như các công ty định giá khoản nợ độc lập vẫn gặp khó khăn trong thực hiện do chưa có chuẩn mực về định giá các khoản nợ.

Hơn nữa, Nghị quyết 42 quy định chính quyền địa phương phải phối hợp với ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế, lâu nay, việc phối hợp này vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc tích cực hơn để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Đáng lưu ý, Nghị quyết 42 còn yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý nợ xấu. Trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc mời đại diện của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân các cấp đến dự và cùng chia sẻ những nội dung liên quan đến quy định của Nghị quyết 42 cũng như lộ trình và giải pháp thực hiện.

Mặc dù vậy, đến nay, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn chậm trễ. Minh chứng là, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm trong trường hợp mua bán nợ qua VAMC; Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình xét xử rút gọn. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế ưu đãi và các thủ tục khác cũng đang chờ hướng dẫn.

Từ thực tế trên, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico - và nhiều chuyên gia khác kiến nghị: NHNN và các Bộ, ngành có liên quan phải nhanh chóng có những hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định của Nghị quyết 42, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi nhằm tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu.

PHẠM MÙI
Theo Báo Kiểm toán số 47 ra ngày 23-11-2017